Lựa chọn tương lai ở tuổi nào?

Lựa chọn tương lai ở tuổi nào?

Mình đang ở Hà Lan, buổi sáng từ trên gác nhìn xuống dãy phố hiền hòa của La Haye, có những nhóm học sinh phổ thông hớn hở đạp xe theo sau giáo viên, dừng ngã tư ngó nghiêng. Giáo dục Hà Lan phân cấp từ rất sớm. Học sinh học xong lớp 6 đã phải quyết định (hoặc được giáo viên định hướng, dựa trên đánh giá của giáo viên và điểm số cuối khóa) để lựa chọn tương lai: Hoặc các con sẽ học lên lớp, tương đương lớp 7 và học lên đại học, thạc sĩ. Hoặc các con sẽ phân cấp vào các trường liên quan tới nghề nghiệp tương lai, các bậc tương đương trường nghề, trung cấp, cao đẳng 5 năm v.v…

Một đứa trẻ sau 8 năm học (vì Hà Lan giáo dục sớm từ bậc mầm non) thì cũng khó có thể ngay lập tức dễ dàng quyết định được tương lai mình sẽ là ai, sẽ học gì, làm nghề gì. Tuy nhiên học bất cứ trường nào, một học sinh Hà Lan trong nhà trường ngoài tiếng mẹ đẻ đã thành thạo tiếng Anh đủ để đọc tiểu thuyết nguyên tác. Ngoài ra sẽ trang bị một thứ tiếng thứ ba như Đức, Pháp v.v… Anh chủ nhà mình đang ở nhờ người Hà Lan, thì vào năm 18 tuổi, chỉ học tại trường phổ thông đã thành thạo bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan. Và hiện tại dù chỉ là một công chức cho chính phủ, anh đã thành thạo thêm tiếng Nga, và hàng ngày nói chuyện với mình bằng tiếng… Trung Quốc!

Hà Lan giáo dục sớm từ bậc mầm non

Hà Lan là một trong 8 nền giáo dục tiến bộ nhất thế giới, mình nghĩ có một phần tư duy về ngôn ngữ và giáo dục ngoại ngữ cho trẻ con, học tiếng Anh gần như bắt buộc từ 4 tuổi, coi đa ngôn ngữ là một tố chất cần thiết của mỗi em bé để nâng cao nền học vấn tương lai.

Tuần trước mình ở Đức, một anh bạn hài hước nói, cứ chàng Việt Kiều nào từ Đức về là Việt Nam lại khen: “Nhân tài biết bốn thứ tiếng!”. Đùa chứ ở Đức này, thằng bé Việt kiều nào học phổ thông chẳng phải thành thạo tiếng Anh, học thêm tiếng Pháp hoặc thứ tiếng nào đó, tiếng Đức là ngôn ngữ chính rồi, tiếng Việt lại là tiếng mẹ đẻ. Nhân tài biết bốn thứ tiếng thực ra chỉ cần học cho tốt tại nhà trường là đủ! Vì nền giáo dục ở Đức rất coi trọng ngôn ngữ, ngoại ngữ, thể thao, văn hóa, STEM, định hướng nghề từ tuổi thiếu niên bằng cách “tạo cớ” đưa những đứa trẻ học hết lớp 8 ra nước ngoài hoặc tới các tập đoàn lớn kiến tập, ở nhiều vùng khác nhau nhằm giúp các em định hình được sở thích và chọn nghề. Nên thông thạo ngoại ngữ lại là nền tảng đầu tiên của tương lai những đứa trẻ tại Đức.

Đọc thêm: Nuôi dạy trẻ song ngữ có rất nhiều lợi ích, áp dụng “One person one language”  và “Minority language at home” giúp trẻ tiếp thu ngoại ngữ tốt hơn ngay từ nhỏ!

Chiều nay mình hỏi cô bé 4 tuổi người Hà Lan cùng nhà: Thế theo cháu, tuổi nào nên quyết định tương lai? Bé trả lời là: 5 tuổi! Mình hỏi, vậy cháu muốn tương lai cháu trở thành một người như thế nào? Bé trả lời 3 điều này:

– Tốt bụng!

– Giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh!

– Giỏi vẽ!

Một em bé châu Âu mới 4 tuổi đã hiểu, tương lai của bé không phải chỉ là học giỏi ngoại ngữ, mà là cần phải trở thành một người dùng ngoại ngữ để khẳng định bản thân và theo đuổi mục tiêu.

Vậy mà tại Việt Nam, nhiều bố mẹ vẫn cho rằng, chỉ cần học giỏi một ngoại ngữ đã là lý tưởng! Thế giới vận động quá nhanh, nếu bố mẹ Việt sang châu Âu một chuyến như mình, chắc hẳn quan niệm về giáo dục sẽ thay đổi! Cụ thể như:

– Ra nước ngoài du học ngoại ngữ các khóa ngắn hạn mang lại trải nghiệm bản ngữ cho trẻ, nhưng lớn hơn là sự tự tin giao tiếp. Thế nhưng bao giờ là thời điểm tốt nhất? Nhiều người chọn tuổi 18, khóa học sau khi hết lớp 12 như một phần thưởng cho con cái! Nhưng du học ngôn ngữ khác với du học. Kỹ năng ngôn ngữ đâu phải là một học phần cuốn chiếu, học xong tiếng Việt phổ thông thì học sang tiếng Anh, sau khi thành thạo tiếng Anh mới học sang tiếng Pháp, tiếng Hoa? Trải nghiệm ngôn ngữ ở những khóa ngắn hạn đan xen giữa tuổi thiếu thời (8-13) và tuổi dậy thì (13-17) mang lại những yếu tố kích thích phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, định hướng tương lai của trẻ. Hãy để con trẻ lên đường ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đợi đến 18 tuổi mới quyết định con trở thành ai thì đã muộn!

sự tự tin giao tiếp

– Trại hè ở nước ngoài chỉ dành cho con nhà giàu? Mình đã cho con đi ra nước ngoài, thậm chí bé nhà mình 7 tuổi đã làm hộ chiếu riêng, đi nước ngoài không cùng bố mẹ tháp tùng, 16 tuổi tự bay sang Đài Loan một mình… Mà nhà mình không hề giàu, thậm chí phải nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn chơi để dành tiền đi học. Và con học mẹ cũng học! Những gia đình có điều kiện, cho con du học từ cấp 2 cũng không còn là hiện tượng hiếm gặp. Chắc chắn đâu phải họ giàu hơn những người khác, họ chỉ tư duy khác về giáo dục mà thôi! Nhà mình ở nhờ tại Đức có hai bé, sang Đức du học từ lúc mới lớp 6 và lớp 9. Hai anh em tự sống với nhau, tự học, tự chăm sóc nhau, tự giải quyết các vấn đề quan trọng như thi cử, trò chuyện với giáo viên và giao tiếp xã hội, tự học, tự đi chợ nấu ăn, tự đi xe bus, tàu ở châu Âu… Hai bé cho tới giờ sau 4-5 năm cực kỳ giỏi, ngoan ngoãn, có tinh thần tự lập, giao tiếp chững chạc, và tất nhiên, sẽ trở thành những người trẻ như bạn bè tại châu Âu, thạo nhiều ngoại ngữ, tự tìm tương lai của mình!

– Châu Âu không xa vời! Con gái mình đang học tiếng Anh, cả năm ngoái nó học tiếng Tây Ban Nha và từ năm nay bắt đầu học thêm tiếng Đức. Dự kiến từ năm sau, bé nhà mình sẽ học tiếng Pháp và duy trì 4 ngôn ngữ học cùng lúc, đồng thời với việc tự học tiếng Hoa. Việc học 5 ngoại ngữ một lúc có quá tải với một người thuộc thế hệ 2X nghiện trà sữa, ưa xem tik tok hoặc chụp ảnh selfie không? Mình khẳng định là không. Miễn là bố mẹ dành thời gian và chia sẻ quan điểm giáo dục hướng tới tương lai cùng con! Những ngôn ngữ châu Âu trên có thay đổi đời nó không? Mình không biết. Nhưng mình tin rằng, ngôn ngữ tốt mở ra cánh cửa rộng lớn thay đổi cuộc đời một con người!

Bài viết 】được chia sẻ bởi【Trang Hạ

Đọc thêm: Siêu mẫu Hà Anh: Tôi sẽ không bao giờ “nâng như nâng trứng” để biến con mình thành một tiểu thư kiểu Rich Kid

Xin ấn thích và theo dõi tiếp