Sự phát triển của bé qua từng tháng tuổi – Trẻ 8 tháng tuổi

Trẻ 8 tháng tuổi

Tám tháng tuổi, em bé của mẹ đã rất hiếu động và ưa khám phá thế giới xung quanh. Những câu nói bi bô đầu tiên hẳn sẽ làm bố mẹ ông bà cảm thấy vô cùng ấm áp và đầy thương yêu. Niềm vui từ những điều nhỏ xíu con mang lại, sẽ là động lực và gắn kết cả gia đình.

1. Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

*/ Cân nặng và chiều cao:

Trẻ 8 tháng tuổi có thể cao khoảng 65,1 – 74,3cm, và nặng 6,91 – 10,26kg nếu là bé trai. Với các bé gái, chiều cao sẽ trong khoảng 63,9 – 72,4cm và cân nặng chuẩn sẽ nằm trong khoảng 6,44 – 9,53kg. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tham khảo, bởi sự tăng trưởng của mỗi bé sẽ khác nhau. Miễn là bé vẫn tăng cân đều và không có biểu hiện bất thường về sức khỏe, mẹ không cần quá lo lắng.

*/ Thói quen sinh hoạt:

Giai đoạn này bé sẽ ăn 2-3 bữa thức ăn đặc mỗi ngày. Sữa vẫn là thức ăn quan trọng giúp cho bé tăng trưởng. Nhưng thức ăn đặc sẽ giúp bổ sung thêm dinh dưỡng và năng lượng. Nếu bé bú mẹ, mẹ sẽ thấy bé không đòi bú nhiều như trước. Vì lúc này, thức ăn đặc giúp bé no lâu hơn. Nhưng dù là bú bình hay bú mẹ thì vẫn nên duy trì khoảng 4 cử bú/ngày cho bé 8 tháng tuổi mẹ nhé.

Bé có nhu cầu ngủ 2-3 cữ/ngày, mỗi giấc khoảng 1-3 tiếng. Hoạt động của bé đang dần “vào khuôn” hơn nên mẹ sẽ dễ sắp xếp công việc xung quanh chuyện cho bé bú và ngủ. Mỗi khi buồn ngủ, bé sẽ rất cáu gắt và quấy. Mẹ sẽ khó có thể làm được gì cho tới khi dỗ bé ngủ xong. Cũng đừng quá lo khi thấy những thay đổi này từ bé, mọi việc sẽ dần ổn định hơn thôi mẹ ạ.

*/ Tập nói:

Ở tháng này, bé sẽ ê a nhiều hơn, tự nói chuyện và phát âm rất dễ thương. Mẹ sẽ nghe thấy bé gọi papa, mama nhiều hơn, mặc dù không chắc bé có hiểu hết ý nghĩa của ngôn ngữ hay không. Nhưng dần dần, bé sẽ có nhiều từ hơn, biết cách kết nối từ cũng như hiểu được ý nghĩa của các từ.

Đây cũng là giai đoạn bố mẹ sẽ cảm thấy vô cùng phấn khích, vì nhiều khi cảm giác như được bé yêu gọi tên mình. Niềm hạnh phúc của gia đình như nhân đôi thêm.

*/ Tháng này bé biết làm gì?

Giai đoạn này, bé sẽ tập bò và tự vật lộn để có thể ngồi được 1 mình. Bé có thể leo trèo khắp nơi rồi trườn khắp sàn nhà. Bé sẽ lăn để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bé biết cách phối hợp tứ chi để di chuyển đến nơi mình muốn, dù bé cũng chỉ có thể di chuyển từng đoạn ngắn mà thôi.

Mother took the baby to learn to walk

 

Bé cũng bắt đầu chập chững tập đứng. Bé biết vịn vào cũi để đứng lâu hơn. Mỗi khi không với tới đồ chơi hoặc có gì bất an, bé biết tỏ thái độ để làm bạn chú ý. Các kỹ năng sẽ phát triển và hoàn thiện dần. Bạn nên vỗ tay khen bé mỗi khi bé cố gắng tự kiểm soát cơ thể mình.

Đây cũng là thời điểm bé “bám dính” lấy bố mẹ, và khi đi ra ngoài, mẹ khó có thể rời khỏi tầm mắt của bé, dù chỉ trong một giây. Không phải đột nhiên bé “tình thương mến thương” mẹ với bố đâu, chỉ đơn giản vì con đã nhận biết được thân sơ, và cảm thấy sợ hãi khi phải tiếp xúc với người lạ. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bé khóc ré lên khi có người lạ đòi bế. Đây là một biểu hiện bình thường trong tiến trình phát triển của bé, và không liên quan đến việc mẹ bảo bọc con quá mức như suy nghĩ của nhiều người. Mẹ có thể dỗ dành bằng cách ôm và cho bé từ từ làm quen với những người mới gặp.

2.Một vài lời khuyên cho mẹ

Từ giờ, mẹ cần phải cẩn thận với tất cả những đồ vật mà bé có thể bò và đụng đến. Cất tất cả các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, các chất làm sạch; khóa phòng tắm và tủ nhà bếp; lắp đặt tấm chắn trên cầu thang; chặn các cửa ra vào. Hãy chắc chắn rằng không có dây lơ lửng và dây từ thiết bị điện treo xuống. Hãy cẩn thận với bất kỳ vật nhỏ đang nằm xung quanh bao gồm mảnh đồ chơi và tiền xu. Bất cứ một sơ hở nào cũng có thể gây ra những sự việc ngoài ý muốn xảy đến với bé, nên mẹ để ý nhé.

Mẹ hãy cùng tìm hiểu hành trình phát triển của bé trong bài tiếp theo nhé.

Xin ấn thích và theo dõi tiếp