Changeling : câu chuyện cảm động về một người mẹ

Changeling : câu chuyện cảm động về một người mẹ

Nếu bạn đã quá quen với những cuộc rượt đuổi ngoạn mục giữa thám tử và kẻ sát nhân, hay những màn đấu trí cân não thì ngày hôm nay, hãy cùng mình “sống chậm” một chút, trong bối cảnh châu Âu xưa cũ của Changeling.

Đây cũng là lần đầu tiên mình review một bộ phim có sự tham gia của một trong những minh tinh nổi tiếng nhất nhì Hollywood – Angelina Jolie, cảm giác khá là hào hứng.

Nếu bạn mới chỉ biết đến vợ cũ Brad Pitt thông qua những phim hành động như Tom Raider hay Mr and Mrs Smith thì có lẽ sẽ hơi ngạc nhiên một chút khi trông thấy tạo hình thùy mị nết na của cô trong Changeling. Thực tế là hồi trẻ Jolie đóng khá nhiều phim hay và có chiều sâu, khi nào rảnh mình sẽ review thêm một vài cái tên đặc sắc nữa.

Còn bao giờ cho đến cái “khi nào” đấy thì mình cũng chịu. Với Changeling, một đề tài cũ rích lại được đào lên : mất tích, cụ thể là một đứa trẻ con. Tuy nhiên Đứa Trẻ Thất Lạc khai thác câu chuyện dưới một góc nhìn khác hoàn toàn so với những Prisoners hay Gone Baby Gone.

Giới thiệu phim

Trừ khi bạn quá không thích một tác phẩm trần trụi, gai góc, nội dung được chăm sóc tỉ mỉ, diễn xuất thì trên cả tuyệt vời, còn không thì chẳng có cái lý do gì để bạn không xem Changeling cả.

Christine Collins là một người mẹ đơn thân, cô sống cùng cậu con trai bé bỏng Walter. Tuy gia đình thiếu vắng trụ cột và bản thân Christine cũng khá bận rộn nhưng cô là một người mẹ tâm lý, luôn cố gắng chăm sóc cậu nhóc chu đáo nhất có thể.

Vào một ngày nọ, Christine nhận được cuộc gọi tăng ca từ cấp trên, cô đành thất hẹn đưa Walter đi chơi. Christine miễn cưỡng ra khỏi nhà, không quên tạm biệt Walter và hứa sẽ chơi với cậu nhóc vào ngày hôm sau. Người mẹ không biết rằng, đó có thể là lần cuối cùng cô được nhìn thấy con.

Sau khi hoàn thành công việc, Christine về nhà khá muộn. Bên trong nhà không có ai. Cô gọi tên con trai rồi đi tìm khắp nơi nhưng không thấy bóng dáng cậu bé.

Quá tuyệt vọng, người mẹ trình báo cảnh sát nhưng do chưa mất tích quá 24 giờ nên họ không thể làm gì hơn được. Cô đành chờ tới sáng.

Ngày hôm sau, chiếc xe cảnh sát tới, Christine khai báo tất cả thông tin về Walter. Chẳng mấy chốc đã hai tuần trôi qua, Christine vẫn cố liên lạc khắp nơi nhưng không hề có thông tin gì. Thậm chí, một nhà thờ còn làm lễ cầu nguyện cho con cô.

Một thời gian sau, cảnh sát tìm đến nơi cô làm việc. Người mẹ đứng khép nép một góc, sẵn sàng cho tin xấu nhất. Có cảm giác nếu không có bức tường phía sau thì cô sẽ mất thăng bằng mà ngã khụy xuống mất.

Nhưng không, thanh tra J.J Jones thông báo đã tìm thấy Walter, cậu bé đang trên một chuyến tàu trở về. Những giọt nước mắt vỡ òa trong vui sướng.

Chưa thể yên tâm, Christine cùng ngài thanh tra đến ga tàu, nơi có rất nhiều nhà báo đang chờ đợi. Người mẹ lao nhanh vào sân ga, dù cho con tàu vẫn chưa dừng hẳn.

Những hành khách bắt đầu đặt chân xuống, chưa có gương mặt thân quen nào xuất hiện. Cho đến khi, một cậu nhóc đứng trước mặt cô.

Christine chết lặng, nhìn trân trân về phía thân hình bé nhỏ kia. Không phải vì quá xúc động, mà là vì…nó không phải con cô.

Dạo này trí nhớ mình khá kém nhưng cũng không đến mức không phân biệt được hai đứa trẻ : thằng nhóc đứng trước mặt Christine dễ phải hơn con cô đến 5 tuổi, trong khi Walter mới mất tích có…5 tháng. Cú sốc quá lớn dành cho người mẹ tội nghiệp, cô lắp bắp rằng nó không phải con cô.

Đắng lòng hơn cả, gã cảnh sát trố mắt nhìn cô rồi thốt ra một câu không thể đáng ăn đòn hơn : “Hãy mang nó về “sống thử”, rồi cô sẽ nhận ra con mình thôi”.

Nhìn cái điệu bộ của thằng cha này thì có thể hiểu ngay được rằng hắn muốn cái tiêu đề trên tờ báo sáng nay sẽ là “cảnh sát thành phố tìm ra đứa bé mất tích một cách tài tình” chứ không phải là “đám thanh tra bất lực trả nhầm con cho khổ chủ”.

Kỳ lạ là ở chỗ, thằng nhóc kia một mực khẳng định nó là Walter Collins, còn chạy đến ôm chân người mẹ đang không tin vào mắt mình.

Đám phóng viên lao vào chụp ảnh, hai tên cảnh sát ưỡn ngực đầy tự hào, “Walter Collins” nở nụ cười mãn nguyện, chỉ có Christine là cúi gằm mặt.

Rốt cục thì chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ? Thằng nhóc lạ hoắc này là ai ? Walter thật đang ở đâu và liệu hai mẹ con có cơ hội được đoàn tụ ?

Câu chuyện vẫn còn vô vàn những điều thú vị đang chờ bạn khám phá. Như thường lệ, hãy thưởng thức bộ phim trước khi đọc nốt phần bên dưới.

Cảm nhận phim

Ban đầu mình hơi thắc mắc tại sao lại là Changeling mà lại không phải Changing ? Sự thật thì cái tiêu đề này không phải “sự đổi thay” mà là “sự đánh tráo”. Bạn hãy search từ khóa “changeling” trên google rồi vào phần hình ảnh, sẽ có một vài minh họa dễ hình dung cho bạn. Thật thú vị là tiếng Anh lại có hẳn một từ riêng để chỉ những đứa trẻ bị đánh cắp.

Trở lại với Changeling, bộ phim này có rất nhiều điểm đáng để bàn tới. Dễ nhận thấy nhất chính là tình cảnh khắc khổ của Christine, khi mà cả tên thanh tra lẫn tay bác sĩ đều cố gắng bốc phét sao cho hợp lý nhất để làm vừa lòng bà mẹ.

Đặc biệt là lúc ông bác sĩ bước vào nhà rồi giải thích về việc “Walter” bị lùn đi 3 inches là bởi “xương sống co lại do chấn thương tâm lý” ??? Vui tính hơn cả Trấn Thành.

Những bộ phim xuất hiện kiểu nhân vật đơn độc một mình chống lại cả thể giới như này thường dễ gây được cảm tình với mình, tiêu biểu nhất phải kể đến Gone Girl và The Truman Show. Nhân vật chính vô tình tham gia vào một vở kịch rối như tơ vò và dường như không lối thoát.

Có thể hiểu được cái cảm giác ức chế khi con mình mất tích rồi lại còn phải để một thằng trời đánh nào đó vào sống giữa nhà mình. Đình điểm chính là lúc Christine ném thẳng cái đĩa vào tường, sau khi Walter giả mạo “chúc mẹ ngủ ngon” bằng một giọng điệu không thể trêu ngươi hơn.

Bên cạnh các phân đoạn drama phim ảnh, Changeling còn mang đến lát cắt của một xã hội thu nhỏ, nơi tồn tại đầy rẫy những bất công chứ không chỉ toàn màu hồng như phim hàn xẻng : một người phụ nữ bị ném vào trại tâm thần chỉ vì cô ấy đòi con của mình.

Hành động của một lũ mọi rợ, từ những tai to mặt lớn ở sở cảnh sát cho đến mấy thằng quản lý nhà thương điên. Sau khi mọi thứ bị phanh phui, người dân xuống phố biểu tình đòi lại công bằng. Cả thành phố Los Angeles đều hướng về Christine Collins.

Mình rất thích đoạn thanh tra Jones ngồi biện hộ cho hành vi mang tính động vật của mình rồi bị ông luật sư bẻ ngược lại. Thẩm phán tuyên bố đình chỉ công tác với cảnh sát Jones mà cả tòa vỗ tay thì biết như nào rồi đấy.

Không chỉ soi sáng những góc khuất, các tình tiết của Changeling cũng diễn ra hết sức mượt mà, uyển chuyển. Mình không thể bắt bẻ được điều gì dù là nhỏ nhất.

Nhờ vào màn hóa thân quá xuất sắc của mình, từ tạo hình cho đến diễn xuất, Angelina Jolie đã nhận được một đề cử Oscar cho nữ chính xuất sắc. Tuy nhiên, một đề cử là chưa đủ, đang tiếc là bằng một lý do ảo diệu nào đó mà cô đã phải nhìn người khác bước lên bục nhận giải.

Bên cạnh Jolie, Changeling còn sở hữu một dàn cast rất đồng đều, từ mấy tên cảnh sát, kẻ sát nhân, người bạn của Christine trong viện tâm thần cho đến cậu bé tòng phạm.

Làm nên thành công đó, không thể không nhắc đến đạo diễn Clint Eastwood. Có một bộ phim hình sự rất hấp dẫn từng được mình giới thiệu trong một bài viết trước đây là Mystic River cũng do chính ông Eastwood chỉ đạo.

Tất cả những bộ phim của ông đều xuất hiện một vài điểm chung dễ nhận thấy : bối cảnh phim u tối nhưng lại có cách trình bày mộc mạc, dễ cảm nhận; số phận các nhân vật bi đát, thường bị đẩy đến đường cùng; nội dung đều ít nhiều dính dáng đến pháp luật cùng những bất công mà ai cũng biết nhưng lại không thể giãi bày.

Ngoài ra thì những cái kết do Eastwood tạo ra luôn là một bi kịch, bạn nào xem Mystic River rồi chắc cũng hiểu.

Và Changeling cũng không phải một ngoại lệ. Đúng, Walter Collins đã không bao giờ quay trở lại. Nhưng mẹ cậu – bà Christine, vẫn không bao giờ ngừng hy vọng về sự sống của con trai mình.

Tựu chung lại, Changeling là một tác phẩm điện ảnh được mình đánh giá cao về mọi mặt. Câu chuyện về một người mẹ đầy bản lĩnh, đấu tranh không biết mệt mỏi, sẵn sàng đương đầu với chính quyền thối nát, chấp nhận bị tra tấn để tiếp tục tìm kiếm đứa con có thể chạm tới những trái tim sắt đá nhất.

Mọi thứ dường như đã quá hoàn hảo, nhưng vẫn còn thiếu cái này nữa

“Không bao giờ gây sự, nhưng phải luôn đánh trả”

-Christine Collins-

Bài viết】theo【vietgiday.com

Xin ấn thích và theo dõi tiếp