Ngày Tết, khi đại gia đình đoàn viên sum họp, nàng dâu luôn là người bận rộn, mệt mỏi bởi rất nhiều lo toan mong cho cái Tết nhà chồng chu toàn. Ấy vậy mà khi nhắc tới cụm từ “chị em chồng”, nhiều nàng dâu tỏ ra ái ngại. Cùng xem “chị em chồng” ngày Tết quái chiêu làm các nàng dâu méo mặt như thế nào nhé!
Ông bà ta xưa đã có câu: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” bởi mối quan hệ chị dâu – em chồng, em dâu – chị chồng luôn tiềm ẩn những khúc mắc khó tháo gỡ, dần dần nó trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều nàng dâu. Nỗi lo lắng làm dâu ngày Tết luôn thường trực trong đầu chị em không chỉ vì những việc cần phải lo toan, mà còn xuất phát từ chính những người chị em ruột của chồng mình. Những câu chuyện dưới đây là những nỗi niềm tréo ngoe khó dãi bày về mối quan hệ khá nhạy cảm này. Chị em chồng – ôi nỗi ám ảnh!
Câu chuyện bếp núc ngày Tết và bà chị chồng
Chị Tiên (28 tuổi, nhân viên truyền thông, sống tại TP.HCM) tâm sự: làm dâu được 3 năm, cứ mỗi dịp Tết là lại thấy mệt mỏi. Gia đình chồng có 3 mặt con nhưng độc mỗi anh con trai út là chồng chị, thế nên ngày Tết, trọng trách của chị lại nặng nề hơn. Tết nhất các chị chồng cũng trở về đoàn viên với gia đình, thường là mồng 2,3 Tết. Có con gái, con rể đến chơi nên bố mẹ chồng chị giao toàn bộ bếp núc cho chị quán xuyến, đàn ông thì kéo nhau lên phòng khách, mẹ và con gái thì nằm tỉ tê trong phòng ngủ của ông bà, chị nghiễm nhiên trở thành “bếp trưởng” của gia đình trong mấy ngày Tết.
Bản thân chị cũng không phải quá khéo léo, nhưng chị cũng cố để có những bữa cơm ngon đãi mọi người. Lo nghĩ món, chợ búa, nấu nướng, bày biện đã vất vả, lại gặp ngay bà chị chồng không thích làm chỉ thích thể hiện. Khách khứa thì đông mà trong bếp cứ nghe sang sảng: “Bỏ muối vào chưa, sao rau vàng vọt thế này?”, “Trời ơi đậy cái nắp vung lại đi chứ”, “Ô thế cam phải bổ thế này mới đẹp, từng ấy cũng không biết”, “Lựa rau gì mà già thế này, có biết đường lựa rau không?”, “Gà kho gì chẳng thấm tý nào, cháu mợ kén ăn lắm đấy”, …

Với chị Tiên, ngày Tết chồng chị vui vẻ vì được sum họp bao nhiêu, thì chị càng bị ám ảnh bấy nhiêu. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng nhiều lần chị tím cả mặt vì bị chị chồng chê ngay trước mặt nhiều người. Nghĩ đến cái Tết gần ngay trước mắt, chị lại thở dài ngao ngán.
Tết lại gặp ngay cô em chồng “đẻ nhà ngoại”, chị dâu trở thành osin
Về nhà chồng đón Tết, nàng dâu mới Nguyễn Ngọc (26 tuổi, chủ shop online) chia sẻ: Tết đầu tiên về nhà chồng lại gặp ngay cô em chồng về ngoại sinh con, nàng dâu mới đã chuẩn bị quà cáp cho cả mẹ cả con ngày Tết, Ngọc hy vọng sẽ đón một năm mới vui vẻ cùng với nhiều thành viên của gia đình. Trớ trêu thay mọi sự không đơn giản như Ngọc nghĩ. Mặc dù sinh con cũng được hơn 5 tháng nhưng cô em chồng không phải đụng tay đụng chân làm gì cả. Mẹ chồng thì vốn thương con gái nên Tết nhất dù biết nhiều việc nhưng tự động chuyển hết mọi việc qua tay Ngọc, còn bà chỉ chăm chăm con gái với cháu ngoại.
Ngoài phải tự lo quán xuyến chợ búa, cái làm Ngọc mệt mỏi là việc mẹ chồng và em chồng cứ vinh cớ bận chăm con nhỏ để “nhờ” chị dâu làm đủ thứ việc linh tinh mặc dù không phải không có khả năng làm, từ vứt bỉm, giặt đồ cho bé, pha sữa, lau dọn đồ, tới bữa cơm bưng đến tận nơi, đợi em chồng ăn xong lại bê đi dọn rửa… Thậm chí nửa đêm bé con dậy khóc, mẹ chồng Ngọc còn gọi Ngọc dậy để “bế con cho em nó nghỉ ngơi”, lại còn bảo: “làm đi cho có kinh nghiệm”. Ngọc vừa mở miệng than với chồng thì nhận được câu: “thôi thì em chịu khó, nó (em chồng) trước nay lười nhác quen rồi, thôi em chịu khó” …

Cứ vậy 5,6 ngày Tết, nàng dâu bất đắc dĩ trở thành osin quanh quẩn trong nhà để phục vụ em chồng “bỉm sữa”, bao nhiêu dự định đi chơi, chụp hình, khám phá quê chồng bay biến. Ngọc stress vì những ảo tưởng đón Tết cùng nhà chồng và nỗi ám ảnh khi có cô em chồng ở cữ trong nhà.
Cô em chồng đòi hỏi và cái Tết áp lực
Nhà có cô em chồng ở xa, ngày Tết cũng tranh thủ đùm đề vợ chồng con cái về nhà ngoại ăn Tết vài ngày. Chuyện không có gì nếu như cô ấy vừa đặt chân vào cổng nhà đã oang oang: “Tết nhất gì sơ sài vậy, chưa mua quất mua mai về chưng à?”. Chị Thương lắc đầu ngán ngẩm khi kể chuyện cô em chồng khó tính khó chiều lại hay đòi hỏi.
Vợ chồng chị Thương là nhân viên nhà nước, ở cùng bố mẹ chồng bao năm nay, ngày Tết một tay chị lo chi tiêu, sắm sửa cho gia đình. Cũng vì năm nay nghỉ sát Tết nên vợ chồng chị chưa có thời gian trang hoàng nhà cửa. Ấy vậy mà cô em chồng vừa về đã vội trách móc sao anh chị sơ sài, trong khi cả năm mới về ăn Tết với gia đình mà chỉ xách đúng cái vali về, đến hộp bánh chưng lên bàn thờ cũng chả thấy.
Chưa hết, được ông em rể về nhà ngoại mà “tự nhiên” hơn nhà mình, kéo bạn bè thân sơ đến tụ tập ăn uống. Tiền bạc ngày Tết đã eo hẹp, không chia sẻ được thì thôi, nay chị Thương còn phải không dưng đi phục vụ bạn bè của em rể, được cô em chồng sĩ diện đòi hỏi món này món kia, không làm thì bảo chị dâu keo kiệt, mà nấu cho ngon lành thì tốn kém, rồi còn bỏ công mà dọn dẹp sau cuộc vui của những người khách của em chồng.

Chị có nói chuyện với chồng để chồng góp ý cho cô em nhưng chồng chị vừa mở miệng đã bị cái chiêu “nước mắt kể khổ” của cô em chồng đánh cho tan tành. Tới tai mẹ chồng, chị Thương còn bị trách là tính toán với em chồng: “Nó khó khăn chứ không phải không muốn đưa tiền Tết, chứ dư giả thì tiếc chi mấy đồng bạc”. Chị nghe mà buồn nhưng cũng chỉ biết cười trừ cho qua.
Tuyệt chiêu cho nàng dâu hòa thuận với chị em chồng ngày Tết
Nếu gặp phải những bà chị hay cô em chồng như vậy, có một sự thật là nếu bạn càng chịu đựng thì vấn đề lại càng trầm trọng hơn, đặc biệt là bạn không nhận được sự chia sẻ từ chồng và bố mẹ chồng. Mối quan hệ giữa chị dâu – em chồng, em dâu – chị chồng luôn là một đề tài nhạy cảm, để xóa tan nỗi ám ảnh Tết mang tên chị em chồng này, các nàng dâu cần tìm cách cải thiện nó bằng một vài bí kíp dưới đây:
1. Chủ động vun đắp: Dù trong bất kỳ mối quan hệ nào, nếu có khúc mắc, hãy cố gắng trở thành người chủ động để cải thiện, với chị em chồng cũng không ngoại lệ. Hãy xác định rõ vị trí của mình trong mối quan hệ để có thể ứng xử thật khéo léo. Với em chồng thì thể hiện được vai trò làm chị thật sự, với chị chồng thì luôn tôn trọng và lắng nghe. Đặc biệt nên tỏ rõ quan điểm ngay từ ban đầu để đối phương có thể hiểu tính cách, tư tưởng của bạn. Một mẹo nhỏ là hãy luôn nhớ ngày sinh nhật của chị/em chồng mình. Ngoài ra, một cuộc hẹn mua sắm, xem phim, ăn uống nhỏ với chị/em chồng cũng là một trong những cách hay để vun đắp thêm tình cảm chị em.

2. Sẻ chia nhiều hơn: Phụ nữ ai cũng có nhiều nỗi niềm. Hãy tích cực chia sẻ, quan tâm nhiều hơn đến chị/em chồng của mình một cách chân thành. Những câu chuyện phiếm về chăm con, về nhà cửa, công việc hay những vấn đề phụ nữ sẽ là cầu nối giúp hai người hiểu nhau hơn và tình cảm thêm khắng khít.
3. Tìm kiếm sự trợ giúp từ chồng và gia đình chồng: Đừng cố che dấu cảm xúc của bản thân, nếu bạn cảm thấy khúc mắc, hãy mạnh dạn chia sẻ với chồng hoặc gia đình chồng một cách rõ ràng nhưng khéo léo. Rất nhiều nàng dâu quên mất rằng người chồng của mình đóng vai trò quan trọng trong việc kéo gần mối quan hệ chị/em chồng với bạn.
4. Đối xử với gia đình chồng thật tốt: Dù cho bạn và chị/em chồng có thể chưa hòa hợp, nhưng nếu như bạn thật tâm đối xử tốt với gia đình chồng thì lại là một trong những chìa khóa giúp bạn mở được vấn đề. Sự đánh giá của chồng và bố mẹ chồng dành cho bạn sẽ tác động đến cách nhìn nhận của chị/em chồng.

Ngày Tết là ngày đoàn viên, tuy nhiên những bà chị/cô em chồng quái chiêu luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều nàng dâu. Dẫu vậy nhưng có một điều không thay đổi rằng: chị/em chồng chính là gia đình của bạn, hãy dùng yêu thương để gắn kết tất cả. MamaClub chúc nàng dâu ngày Tết không còn nỗi ám ảnh mang tên chị em chồng.
Đọc thêm: 3 câu nói các nàng dâu thông minh tuyệt đối không thể nói trước mặt mẹ chồng
Xin ấn thích và theo dõi tiếp