Nỗi lo “quá lứa lỡ thì” của chị em giờ đây đã có giải pháp, miễn là bạn phải khá giả một chút. Đó là công nghệ “đông lạnh trứng”, giúp phụ nữ có thể bảo quản những trứng khỏe mạnh, hoàn hảo, đúng tuổi sinh nở… trong ngân hàng, để sau này có thể lấy ra dùng bất cứ lúc nào muốn mang thai. Tuy nhiên phương pháp này cũng rất tốn kém và mang nhiều rủi ro. Nếu bạn đang cân nhắc trữ đông trứng của mình, thì bạn cần biết tất cả những thông tin dưới đây trước khi đưa ra quyết định.
Tại sao nhiều phụ nữ không muốn sinh con trong đúng lứa tuổi đẹp, mà lại chi một số tiền lớn để gửi trứng của mình vào ngân hàng đông lạnh?
Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều phụ nữ muốn kết hôn và sinh con muộn để tập trung cho học hành, sự nghiệp, hay tự do cá nhân. Thế nhưng sau tuổi 35 cả chất lượng và số lượng trứng đều giảm, khiến tỉ lệ thụ thai thấp hẳn, thai nhi cũng mang nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Vì vậy việc trữ trứng sớm có thể được coi như “cứu cánh” giúp chị em yên tâm trì hoãn việc sinh nở mà vẫn đảm bảo sau này có những đứa con khỏe mạnh.
Nadine (34 tuổi) – nữ giám đốc một nhà hàng tại New York (Mỹ) – đã tiết kiệm tiền suốt hàng chục năm vì muốn mua nhà. Nhưng giờ đây cô lại quyết định sử dụng khoản tiền này – và phải vay mượn thêm – để thực hiện việc trữ đông trứng. Cô hoàn toàn không hối tiếc bởi vì “Độ tuổi 34 được coi là giới hạn cho việc sinh nở, cho nên bác sĩ khuyên trữ đông trứng và tôi thấy đó là việc cần làm”.
Emma Jane – một chuyên gia tư vấn ở London (Anh) – cân nhắc sử dụng công nghệ này ở tuổi 37. Những sét nghiệm đầu tiên đã tốn hết 200 bảng Anh. Sau đó cô làm thủ thuật hút trứng ở một cơ sở có mức chi phí “khiêm tốn” so với các nơi khác – là 5.100 bảng. Và để tối ưu cơ hội sinh con thành công, cô cần hút thêm một lần nữa để lưu trữ đủ 20 trứng. Tiếp sau đó, cô phải chi hơn 300 bảng Anh mỗi năm để bảo quản trứng trong ngân hàng lạnh, với thời gian tối đa cho phép là 10 năm. Đó là chưa kể chi phí cho việc thụ tinh trong ống nghiêm (IVF) sẽ tốn tới 5.000 bảng Anh. “Tổng số tiền quả là một gia tài!” – Emma Jane thừa nhận.
Tiffany Murray sau khi không mấy thành công trong việc hẹn hò, thay vì cố gắng thu xếp một cuộc hôn nhân trước khi “quá lứa”, cô chọn trữ đông trứng ở tuổi 34. Nhưng 4 năm sau, cô lại gặp được một nửa của mình, và họ đã nhanh chóng có con tự nhiên. Tuy nhiên Murray vẫn phải trả tiền bảo quản trứng hàng năm. Và trong 6 năm trữ đông trứng, chi phí bảo quản đã tăng từ 350 USD tới 600 USD. Cô bông đùa “Cứ như là trứng của tôi đang bị giữ làm con tin để đòi tiền chuộc ấy.”
Bất chấp chi phí cao ngất ngưởng, cộng với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn phụ nữ lựa chọn trữ đông trứng để đảm bảo tương lai sinh nở của mình. Đây thậm chí còn đang trở thành một trào lưu trong giới trung lưu và thượng lưu ở nhiều nước. Một số nữ nghệ sĩ nổi tiếng cũng công khai việc sử dụng phương pháp này, như Ham So Won (Hàn Quốc), Từ Tịnh Lôi (Trung Quốc).
Đọc thêm: Nhiễm trùng sau sinh ở trẻ! Mẹ bỉm nhất định không được chủ quan
Hãy cùng tìm hiểu về một quy trình đông lạnh trứng ở Việt Nam – do Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện chia sẻ:
Bước 1: Đến bệnh viện khám để đánh giá tình trạng cơ bản của buồng trứng và nội tiết. Sau áo đánh giá chất lượng trứng có đủ tốt để dự trữ không.
Lưu ý: khi có kế hoạch trữ đông trứng, phụ nữ cần sinh hoạt lạnh mạnh, kiêng giảm chất kích thích, vận động và ăn uống điều độ để đảm bảo sức khỏe tổng quan, từ đó tối ưu chất lượng trứng.
Bước 2: Đến thời điểm thích hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc kích trứng hàng ngày trong khoảng 9-12 ngày tùy cơ địa. Trong quá trình này, chị em nên lắng nghe cơ thể mình, và gặp bác sĩ nếu có bất thường.
Bước 3: Tiêm thuốc rụng trứng.
Bước 4: Làm thủ thuật chọc hút trứng ra ngoài trong phòng tối. Trứng không được phép tiếp xúc với ánh sáng. Những xi-lanh trứng sẽ được chuyển vào phòng lab để các kỹ thuật viên lọc rửa, tách trứng ra khỏi các tế bào khác.
Bước 5: Làm đông lạnh trứng sâu và đột ngột bằng ni-tơ lỏng, sau đó lưu trữ trong ngân hàng. Trứng sẽ được trữ lại trong những bình nitơ lỏng (nhiệt độ -196 độ C).
Quy trình đông trứng sẽ lưu trữ được 5-10 năm sau khi bệnh nhân sẵn sàng về chuyện có con, buồng trứng cũng đã kém không còn có con tự nhiên được nữa. Lúc này, bệnh nhân sẽ được chuẩn bị niêm mạc tử cung sẵn sàng cho quá trình mang thai. Khi nào, tử cung sẵn sàng, trứng sẽ được rã đông, kết hợp với tinh trùng của chồng để tạo ra phôi chuyển vào tử cung của bệnh nhân.
Người sử dụng phương pháp đông lạnh trứng sẽ phải chấp nhận những rủi ro gì?
Khi quyết định trữ đông trứng, bạn sẽ phải chấp nhận việc có thể trứng sau thời gian đông lạnh sẽ không dùng được, hoặc tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công không cao. Tóm lại, việc trữ đông trứng không đảm bảo được việc bạn sẽ có con. Ngoài ra cũng không loại trừ một số tác dụng phụ từ việc dùng thuốc.
Tỷ lệ sống sót của trứng đông lạnh với phương pháp thủy tinh hóa (vitrification) là 85%, và tỷ lệ có thai là 27% – không mấy khác so với tỷ lệ thành công của phương pháp IVF cho phụ nữ độ tuổi từ 35 đến 37.
Do vậy, nhiều chuyên gia cũng khuyên phụ nữ đừng đánh giá quá cao và ỷ lại vào công nghệ đông lạnh trứng, và chỉ nên thực hiện như một “nỗ lực cuối cùng” ở độ tuổi 32-37, và sau khi đã cân nhắc với đầy đủ thông tin cần biết. Một nhóm nghiên cứu kết luận: “Trữ đông trứng một cách gián tiếp khuyến khích phụ nữ có con muộn hơn, và điều này kéo theo rủi ro cao hơn rất nhiều về biến cố khi mang thai”.
Kết
Nếu phụ nữ có thể có lựa chọn, thì việc tốt nhất vẫn là lập gia đình và sinh nở ở đúng lứa tuổi, chứ không nên chủ quan nghĩ rằng mình có “của để dành” khi đã trữ đông trứng. Đây vẫn là một giải pháp hữu hiệu, một cứu cánh tuyệt vời dành cho những phụ nữ độc thân ở độ tuổi 32-37 hay cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên bạn cần phải có đầy đủ các thông tin chính xác và cân bằng về độ an toàn và khả năng thành công, một khoản chi phí dự trù không nhỏ, và cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Đọc thêm: Tâm sự về thụ tinh ống nghiệm IVF
Xin ấn thích và theo dõi tiếp