Cô gái trẻ bọc răng sứ để cải thiện ngoại hình. Bốn năm sau, toàn bộ răng cửa mủn vụn, bốc mùi, phải ghép xương.
Không tự tin vì răng cửa hơi hô, Minh Ngọc, 26 tuổi ở Tuyên Quang quyết định bọc sứ 4 chiếc răng cửa hàm trên tại một phòng khám nha khoa địa phương để cải thiện.
Cô được nhân viên phòng khám lấy tủy, mài nhỏ răng, làm bắc cầu chụp sứ cùng lúc 4 răng.
Đẹp chưa được bao lâu, Minh Ngọc thường xuyên thấy răng cửa ê buốt, viêm lợi tái phát nhiều lần. Khi thắc mắc với phòng khám, cô được hướng dẫn thay kem đánh răng, uống thuốc kháng sinh song tình trạng chỉ cải thiện được vài ngày.
Gần đây, Ngọc thấy lợi tụt sâu, đau đớn, miệng có mùi hôi rất nặng nên đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ để kiểm tra.
Trao đổi với VietNamNet, BS Lê Minh Đức, Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, bệnh nhân Ngọc bị biến chứng rất nghiêm trọng sau bọc răng sứ, hình thành nang xương hàm khá lớn do cầu răng sứ bị viêm nhiễm lâu ngày.
Bọc sứ sai chỉ định khiến răng cửa bệnh nhân mủn vụn, viêm nhiễm nghiêm trọng
Khi bác sĩ lay nhẹ cầu răng sứ, toàn bộ 4 răng cửa rơi ra, bên trong mủn toàn bộ. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ cầu răng sứ, lấy nang xương hàm, điều trị viêm lợi. BS Nguyễn Trạch Dân, Phó giám đốc bệnh viện trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo BS Đức, trường hợp trên nếu để nang xương hàm lớn hơn sẽ chạm vào dây thần kinh số 5 khiến bệnh nhân liên tục đau, nóng rát vùng mặt, thậm chí uống giảm đau thông thường không hiệu quả. Những ca bệnh này phải dùng giảm đau đặc hiệu cho dây thần kinh số 5 và phẫu thuật để giải phóng chèn ép.
BS Đức nhấn mạnh, bệnh nhân Ngọc bọc sứ sai chỉ định, kỹ thuật viên mài quá nhỏ và lấy hết tủy răng, xương hàm hiện đã bị tiêu. Phương án tối ưu phải ghép xương hàm, sau đó cắm implant dựng lại 4 răng cửa, tuy nhiên do bệnh nhân không có điều kiện nên có thể chỉ đắp bột xương, sau đó cấy ghép 2 implant để phục hình sứ bắc cầu.
BS Đức cho biết, hiện khoa cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân khác bị biến chứng sau bọc sứ răng số 7, hình thành nang xương hàm lớn, suýt chạm vào dây thần kinh số 5.
Trước đó khoa điều trị trường hợp nữ bệnh nhân bị khấp khểnh nhiều răng, thay vì niềng đã quyết định bọc sứ 20 chiếc răng. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng môi sưng vều, đau đớn, miệng rất hôi. Kết quả kiểm tra cũng phát hiện có nang xương hàm rất lớn.
Khoảng 10 năm trở đây, trào lưu bọc răng sứ (chụp sứ) nhằm che đi các khuyết điểm của răng rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, BS Đức khuyến cáo, đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi bác sĩ nha khoa có kinh nghiệm cùng chuyên môn để đảm bảo kết quả thẩm mỹ và hạn chế tối đa các biến chứng.
Nếu không tuân thủ các kỹ thuật khi thực hiện bọc răng sứ sẽ gây ra 5 biến chứng nghiêm trọng, nhẹ là đau nhức kéo dài, viêm lợi triền miên gây hôi miệng, nặng là lệch khớp cắn, nguy cơ mất chức năng nhai của hàm, viêm tủy, nguy cơ hỏng răng gốc.
BS Đức cho biết, thông thường khi mài răng nguyên bản để bọc sứ, bác sĩ không được mài quá 1mm, mài sâu sẽ xâm phạm đến tủy răng.
“Với những trường hợp bị hô, răng khấp khểnh cần được niềng răng thay vì bọc răng sứ. Việc này tốn thời gian khoảng 2 năm, nên rất nhiều người không đợi được, muốn đẹp nhanh sau 3-4 ngày nên đã đến các phòng khám mài răng rồi bọc. Đây là chỉ định không đúng”, BS Đức chỉ rõ.
BS Đức cảnh báo, khi bọc răng sứ sai chỉ định, ngay 1-2 tháng sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm lợi, uống kháng sinh hoặc chấm thuốc có thể đỡ nhưng phát bệnh lại liên tục và sau 3-4 năm, lợi sẽ tụt hẳn xuống, tiêu xương như bệnh nhân Ngọc.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Vietnamnet.vn
Xin ấn thích và theo dõi tiếp