Đi sinh ngày Sài Gòn giãn cách sẽ như thế nào???

Vào viện đẻ đúng lúc Sài Gòn giãn cách theo Vào viện đẻ đúng lúc Sài Gòn giãn cách theo Chỉ thị 16, mẹ con ra viện thì được tin cả phường phong tỏa; đẻ xong về Đồng Nai thì chỉ vợ con ngồi taxi, chồng phải chạy xe máy theo sau…Chỉ thị 16, mẹ con ra viện thì được tin cả phường phong tỏa; đẻ xong về Đồng Nai thì chỉ vợ con ngồi taxi, chồng phải chạy xe máy theo sau…
Chị Nga và 2 con  /// ẢNH: NVCC
Chị Nga và 2 con

ẢNH: NVCC
Và còn nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khác trong hành trình đi đẻ của những gia đình trẻ ngày TP.HCM giãn cách. Nhưng dù trong khó khăn nào, sự sống vẫn nảy mầm, tình người vẫn ấm áp.

Cả chung cư lẫn phường phong tỏa

Chị Phạm Quỳnh Nga, 34 tuổi, làm việc tại Công ty Mạnh Tường Media, trú P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức, TP.HCM) dự sinh ngày 19.7 nhưng ngày 10.7 đã thấy đau bụng. Chị nhờ bạn chở tới Bệnh viện (BV) Từ Dũ khám thì bất ngờ bác sĩ nói phải nhập viện để sinh luôn. “Đồ cho em bé tôi chưa mua đủ, công việc ở công ty vẫn chưa bàn giao hết, bé lớn 5 tuổi không ai chăm, ông bà nội ngoại ở quê không ai xuống được vì Sài Gòn giãn cách xã hội, lúc đó mọi thứ rối beng. Chiều 10.7, tôi sinh mổ, hai vợ chồng tự chăm nhau trong BV, may là nhờ được bạn đón bé 5 tuổi về nhà trông giùm cả tuần”, chị Nga kể.
Bệnh viện Từ Dũ những ngày chị Nga sinh con

Bệnh viện Từ Dũ những ngày chị Nga sinh con

Chồng chị Nga thường xuyên đi công tác, hồi sinh bé gái đầu lòng có ông bà chăm giúp nên bây giờ, lần đầu đi chăm vợ đẻ thì càng lóng ngóng. “Cái gì ảnh cũng hỏi, từ đẩy xe cho vợ về phòng nằm ra sao, pha sữa cho con thế nào… Mới đầu ảnh không dám ẵm con, không dám tắm con vì sợ con rớt, hay lúc nào cũng sợ con lạnh nên ôm ấp trong người hoài”, chị Nga cười.
Sau 1 tuần, chị Nga xuất viện. Về nhà buổi sáng thì nhận tin 12 giờ trưa phong tỏa toàn P.Hiệp Bình Phước. Ba ngày sau, ngay cùng tầng trong chung cư có ca F0 thế là tiếp tục phong tỏa toàn chung cư. “Chúng tôi mua tã, sữa, đồ cho em bé, rau củ hay các đồ dùng nấu cho bà đẻ như chân giò, lá trà xanh, đu đủ xanh rất khó… Mỗi lần đặt được hàng về, là phải xịt sát khuẩn từ phía ngoài sảnh chung cư, rồi khuân lên nhà lại xịt khuẩn thêm một lần nữa”, chị chia sẻ.
May mắn, chị Nga nhận được sự giúp đỡ tận tình từ bạn bè, người thân, người gửi cả bịch tã lớn. Bà con ở chung cư biết chị Nga mới sinh, mỗi người chia sẻ một ít nào rau xanh, chân giò, lá trà tươi và để ngay trước nhà.
Nhiều người từ địa phương khác về TP.HCM sinh con ngày TP giãn cách có kỷ niệm đáng nhớ không kém. Chị Đặng An (trú Nhơn Trạch, Đồng Nai), sinh con đầu lòng hôm 1.8 kể với người viết: “Rất là cực luôn. Taxi không chở vì sợ không qua chốt được nên chúng tôi đi xe máy từ Đồng Nai tới BV Từ Dũ. Chồng quay về đón bà lên chăm đẻ nhưng lại không được cho qua chốt, chỉ chồng được đi”.
“Hai vợ chồng đều không có kinh nghiệm gì về chăm em bé nên cứ lúng ta lúng túng. Ngày ra viện cũng bi hài không kém. Tôi và bé ngồi taxi về, tới chốt giao giữa Đồng Nai và TP.HCM thì xuống ngồi đợi. Bà con họ hàng chạy lên chở đồ đạc về. Còn chồng đi xe máy phía sau, rước vợ con về nhà. Cảm giác vừa đẻ xong đau ê ẩm khắp người, lại bồng con ngồi sau xe máy về nhà “khó tả lắm”. May mà từ chốt về tới nhà không quá xa”, chị An vui vẻ kể thêm.

Nhờ giãn cách mà biết chăm vợ đẻ

Vợ chồng anh Tạ Quang Anh (trú TP.Thủ Đức) đón bé trai thứ 2 vào sáng 21.7 tại một BV tư tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Trước đó 2 ngày, vợ chồng anh nhập viện để thực hiện các thủ tục test nhanh và làm RT-PCR. Giãn cách xã hội, BV chỉ cho 1 người vào thăm nuôi. Mang theo laptop, vừa làm việc, Anh vừa lần đầu tiên “nếm” cảm giác chăm vợ đẻ.

9 giờ 10 ngày 21.7, bé trai chào đời, được chẩn đoán viêm phổi nhẹ, thiếu hồng cầu phải ở phòng riêng để theo dõi thêm. Một lần đang làm việc, anh thấy vợ cầm tã, sữa, quần áo sang phòng con trai thì rơi nước mắt. “Vợ tôi bước tập tễnh, khóc vì thương con, chưa được ôm con trong vòng tay từ lúc con chào đời. Giây phút ấy tôi rất xúc động”, anh kể.
Chín ngày chăm vợ đẻ ở BV, anh Anh thức đêm để pha sữa, cho con bú, anh cũng học được cách ôm và vỗ nhẹ lưng khi bé đã bú xong để ợ sữa. Cứ 2 – 3 tiếng một lần, vừa thiu ngủ, nghe tiếng bé khóc, anh giật mình dậy, pha sữa, cho con bú, thay tã, ru con ngủ, mọi việc như lập trình sẵn.
Anh Quang Anh chăm bé Trung Dũng

Anh Quang Anh chăm bé Trung Dũng

Nằm viện 9 ngày nên vợ chồng anh phải test nhanh và làm RT-PCR thêm một lần nữa, đảm bảo kết quả âm tính mới được xuất viện hôm 29.7. Em bé cũng được test Covid-19 lần đầu tiên trong đời. “19 giờ thì xong xuôi để về nhà. Taxi không vào sảnh được nên chúng tôi tự đi bộ ra. Vợ thì ôm con, tôi tay xách nách mang nào ba lô, va li, nào lỉnh kỉnh túi tã sữa quần áo. Đi từ Q.Phú Nhuận về TP.Thủ Đức mà xót xa, mới hơn 19 giờ mà đường phố lặng ngắt như tờ”, anh kể.
Em bé nhà anh Quang Anh được đặt tên Trung Dũng, mong con luôn dũng cảm, chính trực vượt qua mọi khó khăn. Những ngày này, Quang Anh “giành” luôn phần tắm cho con, cho con bú sữa, ru con ngủ và làm rất thành thạo. Giãn cách xã hội cho anh cơ hội được hiểu làm vợ, làm mẹ vất vả như thế nào, để thương những người phụ nữ bên cạnh mình nhiều hơn…
Trong khi đó, bé trai nhà chị Nga được đặt tên Mạnh Hùng. “Sinh ra trong mùa dịch này đã là lý do lớn để con sống nỗ lực và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”, chị Nga nói. Chị tâm sự: “Những ngày ở BV, hình ảnh các y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc vất vả ngày đêm, tận tình với từng bệnh nhân khiến tôi rất xúc động. Từ giây phút ấy, tôi hy vọng, Mạnh Hùng lớn lên cũng sẽ làm ngành y, để trí tuệ, bản lĩnh của con sẽ cứu được nhiều người, giúp được thật nhiều cho cộng đồng, xã hội”.
Theo thanhnien.vn

Xin ấn thích và theo dõi tiếp