Sau một thời gian dùng điện thoại học online, em bé này bắt đầu thích xem Tiktok (nền tảng video âm nhạc, mạng xã hội) và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn để đăng tải lên nền tảng này.
Bé gái lớp 1 nghiện Tiktok khiến gia đình phải đưa đi khám tâm thần
Mới đây, thông tin một bé gái lớp 1 nghiện Tiktok khiến gia đình lo sợ, phải đưa đi khám tâm thần khiến nhiều phụ huynh cảm thấy khá e ngại.
Được biết, sau một thời gian dùng điện thoại học online, bé bắt đầu thích xem Tiktok (nền tảng video âm nhạc, mạng xã hội) và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn để đăng tải lên nền tảng này.
Bé cũng hay bắt chước các video nổi tiếng, chủ yếu là những bài hát dễ thuộc, câu hát đang thu hút sự chú ý của nhiều người, kèm với đó là một vài động tác phụ họa.
Ban đầu gia đình rất hứng thú, nghĩ con mình có năng khiếu nên ủng hộ để bé vui vẻ. Tuy nhiên, dần dần, trẻ ngày càng ham lên mạng xã hội, bỏ bê học hành và tự quay video mà không cần nhờ trợ giúp từ bố mẹ.
Nhận thấy con có dấu hiệu bất thường, chỉ thích quay video với nội dung vô nghĩa, quên cả việc học… gia đình lo lắng nên vội đưa đi viện khám.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu (Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) nhận định, nghiện Tiktok cũng như nghiện chơi game, nghiện Facebook, tức người dùng bị cuốn hút vào thế giới ảo gây hạn chế những kỹ năng khác. Người trưởng thành thì bỏ bê công việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để vào mạng, còn học sinh thì lực học giảm sút, không tập trung, giảm chú ý…
Dù nghiện Tiktok chưa được xếp vào bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ở lứa tuổi học sinh được gia đình đưa đến vì “quá mê” Tiktok. Điều này gây ảnh hưởng đến nhận thức, ảnh hưởng tương lai lâu dài cua trẻ.
Trong tình hình xã hội hiện đại, nhất là khi dịch bệnh còn phức tạp, trẻ phải học online ở nhà kéo dài, tình trạng này càng phổ biến và không thể xem thường.
Đặc biệt, theo SCMP, khác với các mạng xã hội khác, Tiktok có thuật toán riêng để hiển thị video cá nhân hóa nhằm giữ chân người dùng càng lâu trên nền tảng của họ.
Nhờ cơ chế hiển thị video có tính gây nghiện, theo thống kê của Sensor Tower, Tiktok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất năm 2021 trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Đến tháng 7/2021, Tiktok cũng được tải xuống hơn 3 tỷ lần. Đây là cột mốc mà chỉ có Facebook đạt được trước đó.
Giới chuyên gia cũng lo ngại việc chìm đắm trên Tiktok có thể gây ra những bất ổn tâm lý ở trẻ em. TS Donald Gilbert (chuyên gia thần kinh học tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ) cho biết, trung bình 8 trẻ đến khám tại đây năm ngoái thì có một trẻ mắc chứng rối loạn vận động. Trẻ đều được phục hồi hoàn toàn sau điều trị, trong đó có liệu pháp tránh xa Tiktok.
Làm thế nào để kéo con ra khỏi Tiktok, ngăn chặn tình trạng nghiện thế giới ảo?
Giới chuyên gia cho rằng, không nên vội vàng cấm đoán trẻ. Cha mẹ cần có những biện pháp rút dần thời gian vào Tiktok cũng như mạng xã hội của trẻ.
Theo ThS.BS Nguyễn Khắc Dũng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), để giảm thiểu rủi ro liên quan đến công nghệ cho trẻ cha mẹ cần hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của chính bản thân mình trước. Trẻ em nên quen với việc nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ, chứ không phải hình ảnh bố mẹ cúi đầu nhìn màn hình.
Hãy thiết lập những khu vực không có công nghệ trong nhà hoặc giờ không sử dụng các thiết bị điện thoại, kể cả bố và mẹ.
Hãy dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho con cho tới khi ra khỏi cửa đi làm.
Cố gắng trì hoãn độ tuổi sử dụng lần đầu của trẻ.
Nếu trẻ sử dụng các thiết bị thông minh, hãy nên là bạn của con, theo dõi con, học cách tin tưởng con.
Hãy giúp con xây dựng lòng tự trọng lành mạnh, sự biết ơn và khuyến khích trẻ tham gia một thứ gì đó mà chúng quan tâm.
Nói chung, trong xã hội hiện đại, việc cấm đoán trẻ hoàn toàn khỏi các thiết bị điện tử, internet dường như là không thể, nhất là trong bối cảnh các con phải dùng mạng để học online. Bởi vậy, phụ huynh cần xây dựng cho con lối sống lành mạnh, tiếp xúc hợp lý với thiết bị điện tử để tránh tình trạng nghiện mạng xã hội nói trên.
Theo Nhịp sống Việt
Xin ấn thích và theo dõi tiếp