Hiện nay, bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa do lối sống không khoa học. Đặc biệt, thói quen tiêu thụ nhiều rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng này.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim trẻ hóa
Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Hậu Giang) vừa cứu sống thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao, dù bệnh nhân mới chỉ 22 tuổi.
6 tiếng trước khi nhập viện, anh T.Đ.T.K (22 tuổi, địa chỉ tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đột ngột cảm thấy nặng ngực, khó thở và vã mồ hôi. Cứ ngỡ là do áp lực công việc nên đầu óc căng thẳng, anh K nằm nghỉ ngơi, nhưng sau vài giờ tình trạng đau ngực vẫn không thuyên giảm, gia đình quyết định đưa anh K đến viện thăm khám.
Qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả điện tâm đồ và các xét nghiệm tầm soát tim mạch đều chỉ ra rằng đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, dù người bệnh có tuổi đời còn rất trẻ và không có bệnh lí nền.
Ngay lập tức, người bệnh được đưa đi chụp mạch vành cấp cứu, kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch vành phải, được đặt 01 giá đỡ (stent) để tái thông vị trí bị tắc và sử dụng thuốc trợ tim để hỗ trợ. Sau can thiệp 24 giờ, hiện sức khoẻ người bệnh đã ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Chia sẻ với các bác sĩ, Anh K cho biết bản thân làm nghề tiếp thị bia nên thường xuyên uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá. Đồng thời do tính chất công việc nên anh K cũng thức khuya và rất ít khi tập thể dục. Đó là những yếu tố nguy cơ của các bệnh lí tim mạch mà nguy hiểm nhất chính là bệnh nhồi máu cơ tim.
Việt Nam có mức tiêu thụ rượu bia cao
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ rượu bia đang tăng nhanh tại Việt Nam. Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018, mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít/người (năm 2018) – cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít/người).
Việt Nam xếp thứ hai trong các nước ở khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam: chiếm 44,2% ở nam giới vào năm 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
Tiến sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cảnh báo số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại cho ra con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây ra gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác; trong đó ước tính có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%).
Việt Nam xếp thứ hai trong các nước tại khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Ảnh minh họa.
Theo Tiến sĩ Trần Quốc Bảo, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Nhồi máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết nhồi máu cơ tim cấp (hay đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và thiếu máu dẫn đến hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi nguyên nhân thường gặp do cục huyết khối trong lòng mạch.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết nhồi máu cơ tim cấp (hay đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi, dẫn đến hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột. Nguyên nhân thường gặp do cục huyết khối trong lòng mạch.
Tình trạng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng tuần thông qua các dấu hiệu như cơn đau ngực (thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp). Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái với mức độ nặng. Tình trạng này có thể xảy ra khi ngồi nghỉ và kéo dài trên 15 phút, cơn đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau ngực có kèm theo mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc Nitroglycerin (dùng điều trị cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp).
Theo thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay.
Theo nghiên cứu từ Đại học Nam Carolina (Mỹ), nam giới ngồi đến 23 giờ một tuần có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 64% so với người ngồi ít hơn 11 giờ.
Lối sống ít vận động, thừa cân, ăn uống kém lành mạnh, căng thẳng và lo lắng khiến cho người trẻ càng dễ bị đột quỵ hơn. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ), người ít vận động có nguy cơ cao huyết áp cao hơn 35% so với người thường xuyên hoạt động thể chất.
“Để cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim, cần tận dụng thời gian ‘vàng’. Đó là trong những giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau ngực. Nếu mạch máu bị tắc nghẽn kéo dài thì cơ tim hầu như bị tổn thương khó hồi phục. Đối với trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (còn gọi là nhồi máu cơ tim dưới nội mạc) cần tái thông trước 24 giờ”, BS Ngọc đưa ra lời khuyên.
Nhồi máu cơ tim đến đột ngột nhưng bệnh đã khởi phát và tiến triển trong một thời gian dài. Do đó, để phòng tránh nhồi máu cơ tim, mỗi người cần thực hiện:
– Dành ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải. Một số bộ môn thể thao có thể tham khảo như đi bộ nhanh, bơi lội…
– Tích cực ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (chẳng hạn như cá), đậu, các loại hạt và dầu ô liu. Đây là một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, cần được chú tâm và lưu ý.
– Tránh sử dụng quá nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
– Ngủ đủ giấc, có thể từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
– Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt; giữ gìn tinh thần thoải mái, giảm sự căng thẳng.
– Đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để đảm bảo được thăm khám, theo dõi tình trạng sức khoẻ kỹ lưỡng.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp