Dạy bé làm việc nhà là hình thức giáo dục con cái được đánh giá cao hiện nay, không chỉ giúp bé rèn luyện tính tự lập, có trách nhiệm mà còn có thể rèn luyện sự khéo léo, tập trung và biết san sẻ giúp đỡ công việc với mọi người xung quanh. Thế nhưng với các bé vẫn còn nhỏ tuổi thì nên giao công việc gì và hướng dẫn con như thế nào? “Biến những việc “phải làm” thành trò chơi, là cách mình vẫn làm để giúp bạn Daisy yêu thích việc nhà!” – cùng tham khảo kinh nghiệm được chia sẻ trên trang FB cá nhân của MC Minh Trang nhé!
– Không chỉ có các bạn baby girl mà các bạn bé bé nói chung đến giai đoạn 1-2 tuổi trở đi sẽ đặc biệt thích bắt chước, thích xông vào làm cùng, thích chĩa mũi vào tất cả những gì người lớn làm xung quanh mình. Vậy nên thay vì rào dậu khu bếp, khóa cái tủ lạnh, cái ngăn kéo, cất mọi đồ đạc xa tầm tay của con, thì mình mua cho Daisy những “đạo cụ” như mình vẫn làm, nhưng size nhỏ, cái chổi, cái xẻng, cái mắc áo, bộ đồ bếp, cái tủ thấp vừa tầm… Đến giờ quét nhà, mẹ quét con quét, giờ nấu cơm, mẹ nấu, con cũng có vài cọng rau hành ngồi thái thái băm băm. Các bạn khỏi quấy khóc nhằng nhẵng mà lại vô cùng yêu thích nữa.
– Nhà mình không có giúp việc. Và mình cũng chọn không thuê giúp việc. Việc tự làm việc nhà, kêu gọi các bạn ấy làm cùng, để các bạn ấy chứng kiến lúc bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc nhà cửa, cũng là một cách giáo dục các bạn ấy tự lập, có ý thức tự làm các việc cá nhân của mình, và giúp đỡ mọi người xung quanh.
– Hồi bé lúc Daisy còn nằm ngửa, chưa biết nói, mình vẫn kéo xe đẩy con ra cạnh bếp, làm động tác gì thì nói thật rõ ràng ra để con nghe thấy. Daisy chăm chú lắm, không biết có hiểu không nhưng chắc chắn từ vựng sẽ tốt hơn, phong phú hơn, các giác quan sẽ phát triển nữa (nhiều âm thanh và mùi vị mà). Ví dụ: mình rửa rau thì sẽ nói: “Daisy ơi, mẹ bắt đầu rửa rau. Đây là rau ngót, lá rất mềm (vừa nói vừa đưa vào tay cho bạn í sờ), mẹ đã tuốt rồi chỉ còn cái lá màu xanh thôi. Bây giờ các bạn lá này sẽ được rửa sạch trong rổ. Mẹ cho nước đầy vào cái rổ hồng có hình bông hoa, đổ hết rau vào, rồi lấy 2 tay mẹ sục sục, đảo đảo, rửa rửa, rồi vớt ra cái rổ trắng lỗ chỗ lỗ chỗ này. Rồi mẹ lại rửa thêm 2 lần như thế nữa… Nước mát cực và rau rất mềm… Thái thịt cũng tả, xào nấu cũng tả. Đại loại là verbalize mọi hành động, vả những gì đang diễn ra.
– Khi Daisy đã biết đứng, biết đi lại, khi chuẩn bị làm việc nhà, mình sẽ kêu gọi với giọng thật hào hứng “Daisy ơi, mẹ chuẩn bị quét nhà, yeahhhh quét nhà thích cực, quét quét quét rồi hót hót hót. Chổi và xẻng của Daisy màu hồng có cái nơ cơ à, đẹp thế. Daisy sẽ quét khu vực cái bàn, mẹ quét khu vực cái tủ nhé. Có vẻ bản thân việc đó không quá hào hứng, nhưng thái độ và cách dẫn dắt của bố mẹ quan trọng cực. Bản thân mình có hào hứng và yêu thích việc mình làm thì trẻ con mới thấy và cảm nhận được.
– Hồi trước mình và Daisy còn tổ chức thi chạy và vứt giấy rác vào thùng rác. Giấy báo cũ mình vo thành chục cái cục giấy vừa tay. Để ở góc nhà xa nhất. Rồi 2 mẹ con thi nhau chạy lại cái thùng rác để vứt. Xem ai chạy nhanh hơn. :)))) Giờ Daisy rất quen với việc vứt rác, đi ăn phở mà quán nào ko có thùng rác dưới chân, nàng ta lau miệng xong phải chạy tứ tung tìm được đúng cái thùng rác thì mới chịu tha cho cái tờ giấy ăn.
– Việc để dành ra 1 không gian riêng và giao quyền tự chủ cho con cũng hiệu quả lắm nhé. Nhà mình ko rộng để Daisy có phòng riêng, cũng ko có điều kiện để nuôi chó mèo, nhưng Daisy có 1 khu vực riêng cho mình, có 1 căn nhà gỗ của Hello Kitty, có đầy đủ đồ đạc. Hàng ngày dậy sớm cho Kitty đi vệ sịnh, rồi rửa mông cho Kitty, tối thì tắm rửa cho Kitty, nấu cơm cho Kitty ăn, rồi lúc Kitty bị ốm thì chăm sóc, Kitty trớ thì đi lau dọn (cái vụ Kitty trờ là Daisy tự tưởng tượng ra :))))) ).- Nhưng việc người lớn hay làm, khi làm cùng trẻ con có thể chia nhỏ ra, thêm nhiều bước, để các bạn ấy dễ theo dõi và vừa sức với mình. Bản thân bố mẹ cũng vẫn là làm việc nhà nhưng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và vui hơn nhiều. Ví dụ nhé: Mang quần áo đi giặt. Mình sẽ cho Daisy bắc cái ghế lên, rồi làm thành cái “Dây chuyền cho quần áo vào máy giặt”, nghĩa là mẹ sẽ nhặt 1 cái áo trong rổ quần áo bẩn ở dưới sàn, đưa cho bạn í, bạn í sẽ cho vào máy giặt. Đấy, cứ thế cũng thành 1 trò được. Cái trò dây chuyền này có thể áp dụng cho hầu hết mọi việc, hiệu quả lắm nhé.
– Trẻ con làm thì sẽ chậm, sẽ hơi lộn xộn, sẽ không chuẩn…nhưng chỉ cần các bạn ấy thích làm là được. Các bạn ấy sẽ có mấy chục năm nữa để làm thành thạo như các bạn bố mẹ cơ mà. Thế nên khi các bạn nhỏ bày tỏ hứng thú với những việc bố mẹ đang làm thì các bạn đừng thẳng tay chỉ ra chỗ khác nhé…
Qua những chia sẻ của MC Minh Trang có thể thấy rằng điều quan trọng không phải là việc nhà lớn hay nhỏ, mà là việc bạn trao trách nhiệm cho trẻ sẽ giúp trẻ tự tin hơn, có trách nhiệm hơn. Ngoài ra bố mẹ qua đó sẽ học được tính nhẫn nại, kiên trì cũng như có thể từ những công việc nhỏ hàng ngày thêm thấu hiểu con để cùng con khôn lớn.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp