Dù là mang thai lần đầu hay lần thứ 2 hoặc thứ 3, các mẹ có thể không hiểu hoặc quên mất ý nghĩa của các từ viết tắt trong phiếu khám thai. Dưới đây là các từ viết tắt thường gặp khi mẹ bầu đi thăm khám trong thai kì của mình.
TT (+): Đây là kí hiệu thể hiện tim thai bình thường, nếu mẹ thấy TT(-) trong giai đoạn đầu thì có thể là phát hiện thai sớm chưa có tim thai. Tuy nhiên, nếu trong thai kì của mình, kí hiệu TT(-) xuất hiện đồng nghĩa với việc bác sĩ không nghe thấy tim thai của bé.
GA ( Gestational Age): Tuổi thai
Tuổi thai được xác định từ ngày đầu tiên của chu kì kinh cuối cùng. Ngày dự sinh của thai phụ sẽ phụ thuộc vào tuổi thai. Nếu có dự định sinh em bé, mẹ nên đánh dấu lại các chu kì của mình để bác sĩ có thể tính chính xác tuổi thai. Trong trường hợp mẹ không nhớ rõ, bác sĩ có thể dùng biện pháp khác tính tuổi thai.
EED (Estimated Date of Delivery): Dự kiến sinh
Đa phần với các phòng khám ở Việt Nam, mẹ sẽ thấy từ này được thay thế bằng từ DS( dự sinh) hoặc DKS (dự kiến sinh). Dự kiến sinh được tính đúng nhất ở giai đoạn thai nhi dưới 13 tuần tuổi. Sau thời gian này, tùy thuộc vào sự phát triển khác nhau của mỗi bé, ngày dự kiến sinh có thể thay đổi.
CRL (Crown rump length): Chiều dài đầu mông
Trong nửa đầu thai kì, bé nằm cuộn người trong bụng mẹ nên khó đo được chính xác chiều dài của bé. Do vậy, để đánh giá về phát triển của bé, bác sĩ sẽ đo chiều dài từ đầu đến mông. Đặc biệt, trong ba tháng đầu thai kì, bác sĩ sẽ không tính cân nặng mà kiểm tra chỉ số CRL này để đánh giá sự phát triển thai nhi.
Đọc thêm: Địa chỉ siêu âm, khám thai ở Hà Nội được các mẹ bỉm sữa khen hết lời trên mạng xã hội!
BPD (Biparietal diameter): Đường kính lưỡng đỉnh
Đường kính lưỡng đỉnh là đường kính được đo ở mặt cắt ngang lớn nhất của hộp sọ. Chỉ số này không chỉ đánh giá được sự phát triển của thai nhi mà còn được dùng để tính cân nặng và tuổi thai. Chỉ số này rất được lưu ý vào những tháng cuối của thai kì vì nếu đường kính lưỡng đỉnh quá lớn, mẹ sẽ có thể được chỉ định sinh mổ.
FL (Femur length): Chiều dài xương đùi
Bắt đầu từ tháng thứ tư trong thai kì trở đi, chỉ số này sẽ được sử dụng thay thế cho chỉ số CRL – khi việc đo chiều dài đầu mông của bé không dễ dàng như trước nữa. Bé có chỉ số này cao thì kết quả siêu âm sẽ cho kết quả tuổi thai cao hơn so với thực tế và mẹ hoàn toàn có thể hi vọng em bé của mình sẽ được xếp vào “hàng chân dài” trong tương lai.
EFW (Estimated Fetal Weight): Cân nặng ước tính
Chỉ số này cho mẹ biết cân nặng của bé tại thời điểm khám thai. Cân nặng của bé sẽ thay đổi tương đương với mức phát triển của thai nhi. Việc cân nặng của con thay đổi liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng của mẹ. Cân nặng phù hợp cho bé sơ sinh là từ 2,8 kg đến 3,5 kg. Với những bé sơ sinh có cân nặng quá lớn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ bệnh béo phì, tiểu đường hay tim mạch đấy!
Đọc thêm: Những điều mẹ cần biết về túi noãn hoàng
Đây là các chỉ số thường gặp khi đi khám thai, ngoài ra các mẹ còn có thể thấy một số từ khác đơn giản hơn như HA là huyết áp, CĐT là cử động thai (thai máy/ đạp) … Ngoài ra, trong thai kì có thể sử dụng một số từ không thông dụng khác. Mẹ có thể trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ và cụ thể các chỉ số mình cần theo dõi.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp