Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên cạnh con mình để che chở, bao bọc con. Chính vì vậy, hãy dạy con cách xử lý tình huống khi không có người thân bên cạnh. Những kỹ năng thoát hiểm cho bé dưới đây là hết sức cần thiết để các bé có thể tự xoay sở đảm bảo an toàn cho mình trước khi quá muộn!
1. Thoát hiểm khi hỏa hoạn
– Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.
– Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.
– Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.
– Nếu gia đình bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
– Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói, hãy dạy bé di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể.
– Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa, hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.
– Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.
2. Thoát hiểm khi bị bỏ quên trên ô tô
– Giữ bình tĩnh
Nếu không may rơi vào trường hợp bị kẹt trong ô tô, phụ huynh nên khuyên trẻ cần bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho người xung quanh về tình trạng của mình. Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra.
– Bấm còi xe trên vô lăng
Hãy chỉ cho con cách bấm còi xe. Có một sự thật ít người biết rằng còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động. Còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Accu.
Hãy dạy con, nếu bị bỏ quên trên xe, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
Vị trí còi xe ở tất cả các xe đều giống nhau và dễ tìm, do vậy, trẻ từ 3 tuổi có thể thực hiện và ghi nhớ nếu có sự hướng dẫn của người lớn.
– Bật đèn khẩn cấp (Đèn Hazard)
Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động.
Hãy chỉ cho con nút bật cái đèn này có hình tam giác và rất dễ thấy trên tablo buồng lái. Bấm nó để bật gây sự chú ý, kết hợp với bấm còi.
– Hãy thử mở các cửa ô tô
Các xe hơi đều thiết kế luôn có lẫy mở khoá cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Hãy bớt chút thời gian, dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.
Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa xe xem có được không. Biết đâu trẻ có thể tự mìn thoát thân trong trường hợp này.
– Liên lạc bằng thiết bị thông minh
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đều trang bị cho con, em mình các thiết bị di động, đồng hồ thông minh. Do đó, hãy dạy bé kỹ năng liên lạc với cha mẹ hay người ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nên trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị để liên lạc trong trường hợp cấp bách nếu có thể – Ảnh minh họa.
Ngoài các số điện thoại lưu trực tiếp trên điện thoại, cha mẹ cũng cần dạy các em gọi đến các số điện thoại của cảnh sát, cứu thương khi gặp phải sự cố.
Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết.
– Đập mạnh vào cửa để gây sự chú ý
Với trẻ nhỏ không có điện thoại cá nhân hoặc đồng hồ định vị, việc trẻ cần làm lúc này là dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu.
– Đứng ở phần kính trước vô lăng để vẫy người phía ngoài
Có thể các cửa sổ của xe có màu tối (nâu hoặc đen) để hạn chế ánh nắng chiếu nhưng phía kính trước vô lăng luôn là kính trong để tài xế quan sát đường.
Do đó, trẻ có thể tới phần kính đó, tìm cách báo cho người bên ngoài biết mình đang ở trong xe bằng cách vẫy tay, hoặc cầm các đồ vật rồi vẫy để thu hút người phía ngoài.
– Tìm cách phá kính ô tô
Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể tự mở cửa xe hay kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ có thể tìm các dụng cụ phá kính ô tô trong xe.
Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra. Nếu không, việc phá kính cũng giúp cho không khí trong xe bớt ngột ngạt, hoặc người ngoài có thể dễ dàng nghe thấy tiếng trẻ kêu cứu.
Trong trường hợp trẻ thường xuyên di chuyển cùng bố mẹ bằng xe gia đình, bố mẹ hãy luôn để dụng cụ phá kính ô tô trong xe và không quên dạy trẻ cách đập vỡ cửa sổ kính trên ô tô để tự thoát thân nếu chẳng may bị bỏ quên trong xe.
3. Thoát khỏi môi trường hỗn loạn khẩn cấp
Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, mẹ dặn con cần lưu ý những điều sau đây:
– Tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.
– Quan sát xung quanh tìm những vị trí thoát hiểm gần nhất và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.
– Tìm nhân viên cứu hộ, cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn. Cũng có những người đang ở vị trí cao hơn bé (trên cây, bờ tường…). Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.
– Nếu đang kẹt cứng trong một đám đông, đừng cố gắng đi ngược lại dòng người, sẽ mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác. Nếu bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn. Hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa con đi, con đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.
– Cuối cùng, mẹ hãy ghi nhớ rằng: Hạn chế đưa con đến những chỗ quá đông người và nếu có đến cũng nên quan sát xung quanh phòng trường họp tình huống xấu xảy ra.
4. Phát hiện nhà có kẻ đột nhập
Tình huống là nếu về đến nhà và con có cảm giác nhà bị người lạ đột nhập, hãy dặn bé đừng vào nhà, nguy hiểm đấy. Hãy chạy càng nhanh càng tốt và gọi hàng xóm hoặc những người gần nhà bé hay gọi điện cho cảnh sát để được hỗ trợ. Nếu đang ở nhà, khi nghe có tiếng động lạ thì hãy kiểm tra ổ khóa ngay, khóa lại chặt vào.
Trường hợp xấu kẻ trộm đã vào nhà và phát hện ra bé. Ngay lúc đó, trẻ nên tỏ vẻ hợp tác ngay: “Đồ trong nhà chú lấy gì cứ lấy đi nhưng đừng có đánh đòn con nha. Chú lấy nhanh nhanh rồi đi đi kẻo mẹ con về” rồi ngồi im thin thít ngoan ngoãn.
Khi trộm vừa hướng mắt tìm tài sản, hãy chọn căn phòng gần nhất rồi… chui tọt vào phòng và khóa trái cửa lại, vừa gào to tri hô để báo động hàng xóm, vừa làm cho tên trộm sợ hãi vì bất ngờ và bỏ chạy… Bố mẹ cũng nên dặn bé không nên mở cửa cho bất kỳ ai lạ khi bố mẹ không có ở nhà.
Đọc thêm: Lại một tai nạn thương tâm, để trẻ chơi gần máy giặt chẳng khác nào chơi với tử thần!
Xin ấn thích và theo dõi tiếp