Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?

Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?

Mỹ chính là thiên đường của thực phẩm chức năng. Chỉ cần bước vào hiệu thuốc như Walgreens hay CVS là thấy vô vàn các thương hiệu từ Generic giá rẻ đến cao cấp bày kín các kệ giá sáng choang. Từ cung cấp 1, 2 loại dưỡng chất cho tới tổng hợp 1 tá loại trong 1 viên cũng có. Theo thống kê thì ở Mỹ có tới 30% trẻ em được bố mẹ bổ sung các viên tổng hợp này mỗi ngày với mong muốn con tăng sức khỏe, tăng chiều cao, tăng sức đề kháng…và con số này tăng lên theo độ tuổi.

Tuy nhiên theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ AAP và của cả Bộ Nông nghiệp Mỹ thì hầu hết trẻ không cần sử dụng đến các loại thực phẩm chức năng này. Những chất mà trẻ thực sự cần bổ sung vitamin là:
-Vitmin D cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn
-Trẻ ăn chay dẫn tới thiếu hụt vitamin B12
-Trẻ mắc các chứng làm giảm thiểu khả năng hấp thu
-Trẻ bị dị ứng khiến cho khẩu phần ăn không cân bằng

Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?
Ảnh minh họa

1. Vậy tại sao bố mẹ lại đổ xô đi mua thực phẩm chức năng cho con?

a. Bố mẹ hiểu sai về nhu cầu dinh dưỡng của con.

– Trên thực tế lượng vitamin và khoáng chất con cần mỗi ngày hoàn toàn có thể dễ dàng cung cấp đủ từ thức ăn. Lượng con cần ăn ít hơn lượng mà bố mẹ tưởng tượng nhiều đấy!

Ví dụ đơn giản như vitamin C: trẻ 1-3 tuổi cần khoảng 15 mg mỗi ngày. 2 viên kẹo dẻo của Zarbees cung cấp tới 23mg ~ 153% nhu cầu cần thiết. Trong khi trong 1 quả cam trung bình đã có tới 70mg rồi nghĩa là trẻ chỉ cần ăn 1/5 quả 1 ngày là hoàn thành chỉ tiêu. Mình thấy thực sự ko khó chút nào!

Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?
Ảnh minh họa

– Một số vitamin như A, D, E, K có thể tích trữ trong cơ thể. Điều này có nghĩa là con không nhất thiết phải ăn đủ hết mọi vitamin cần thiết mỗi ngày. Theo kinh nghiệm của mình là trong 1 hoặc 2 tuần con xoay vòng ăn đủ hết các đồ ăn trong 5 nhóm thực phẩm (tinh bột, rau xanh, trái cây, bơ sữa, thịt/cá/hạt) là hoàn thành chỉ tiêu. Thế nên có thể tuần này con ăn toàn cơm nhưng mình cũng không vội vàng áp lực làm gì cả.

– Bên cạnh đó các thực phẩm đóng gói sẵn hiện nay thường được bổ sung thêm dưỡng chất nên lượng con nhập vào từ nguồn này đã khá đủ rồi.

b. Coi thức ăn = tổng của các thành phần dinh dưỡng

Bây giờ chúng ta hay nói nhiều đến các chế độ ăn uống Diet… nhưng ngành khoa học dinh dưỡng còn cực kì non trẻ. Các vitamin và khoáng chất mới được xác định, cô lập, và sản xuất từ đầu thế kỉ 20. Từ đó đến nay các nghiên cứu liên tục thay đổi, hết đổ lỗi cho chất béo, cho đường, cho đạm rồi lại đến tinh bột gây nên các bệnh ở con người. Vì thế nên khả năng cao là chúng ta còn chưa hiểu hết về thức ăn. Trong thức ăn rất có thể còn nhiều những thành phần khác mà khoa học hiện nay chưa biết đến, có những phản ứng, trao đổi tương tác mà ta không thể nhân tạo trong viên thuốc được.

Nếu phân tích một bát phở thành 100 gram tinh bột, 200 gram đạm, 15mg vitamin, 50gram chất xơ thì sẽ thật bất công cho một tinh hoa ẩm thực phải không? Ăn một bát phở khác với uống 1 vốc chất hóa học đã được xử lý. Khác không chỉ ở những chất chúng ta nạp được vào cơ thể, mà còn ở tương tác của mùi hương, vị cảm, đặc biệt của văn hóa thưởng thức nữa.

Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?
Ảnh minh họa

Một ví dụ điển hình cho văn hóa ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe đó là French Paradox – Nghịch lý Pháp. Mặc dù người Pháp ăn rất nhiều bánh mì (tinh bột), pho mát (béo, đạm) và rượu (chất cồn) toàn những chất bị cho là hại cho sức khỏe nhưng họ lại khỏe mạnh, ít mắc bệnh tim mạch, béo phì. Mình đã từng được đến Pháp và nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn về khẩu phần ăn, họ đi chợ hàng ngày thay vị chất tủ lạnh tích trữ cả tháng như người Mỹ, họ ngồi ăn thong thả và hưởng thụ thay vì ăn nhanh, mạnh ai người nấy ăn….

2. Tác hại của thực phẩm chức năng

Xu thế hiện đại bây giờ là eat clean, ăn đồ ăn càng gần với dạng nguyên thủy của nó càng tốt. Vậy nên mình thấy thực sự may mắn là văn hóa Việt Nam vốn đã rất chú trọng bữa cơm gia đình. Các bữa ăn được chuẩn bị và nấu nướng từ nguyên liệu tươi. Mỹ thì nhiều cái hay cái tốt rồi nhưng Văn hóa tư bản Mỹ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm phát tướng quá đà, sản xuất cực nhanh, cực nhiều, cực rẻ khiến chất lượng bữa ăn và văn hóa ẩm thực của người Mỹ cực kì kém. Và để bù đắp cho thiếu sót đó, họ bổ sung sắt vào ngũ cốc, folic acid vào bánh mì, vitamin D vào sữa, vào nước cam… bổ sung bằng hàng loạt viên uống tổng hợp cho người già, trẻ em, nam, nữ không thiếu một ai…

Thực phẩm chức năng cho trẻ em có thực sự cần thiết? Lạm dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng gì?
Ảnh minh họa

Thực phẩm chức năng thường chứa hàm lượng 100 tới 200-300% lượng cần thiết. Cộng với thức ăn chúng ta vẫn cần phải ăn mỗi ngày, và hàng loạt đồ đóng hộp cũng đi kèm các chất đó, mình tin chắc chắn là chúng ta đang nạp quá thừa thãi. Cũng may là đa số các chất khi nạp vào thừa thì sẽ tự thải ra, nhưng vitamin A D E K được trữ trong mỡ nên khả năng ngộ độc có thể xảy ra.

Ngoài ra, thực phẩm chức năng cho trẻ thường sản xuất dưới dạng kẹo nên trẻ em rất thích và ăn vô tội vạ nếu bố mẹ không cất kĩ. Nhớ ngày bé có cái Vita C viên vuông vuông cam cam thôi mà mình đã ngậm ngấu nghiến, ngày ăn cả chục viên rồi. Mãi về sau biết đọc mới thấy ghi hướng dẫn sử dụng ngày 1 viên huhu nhưng chẳng ai bảo gì cả. Mà đấy là mới là thừa C, thử tưởng thượng thừa tất cả các vitamin và khoáng chất thì sao?

3. Nuôi con, xin đừng đi đường tắt!

Cầm lọ thực phẩm chức năng lên thấy ghi rõ, 2 viên chứa 4000IU Vitamin A, 60mg vitamin C, 10mcg B12, thật quá dễ đọc, dễ cho con ăn, chỉ 2 viên mỗi ngày là tan biến mọi muộn phiền lo âu. Nuôi con mà dễ như vậy thì tui nuôi cả đàn. Sự an lòng được đong đếm từng mcg này quả là dễ hơn nhiều so với việc dụ/bắt con ăn cam, ăn táo, ăn thịt ăn cá, mà cũng chẳng biết ăn bao nhiêu thì là đủ.

Nhưng chính giải pháp vừa nhanh vừa tiện vừa đảm bảo đo đếm chính xác này khiến cho bố mẹ cảm thấy quá-an-toàn bởi lúc nào cũng sẵn có lưới bảo hiểm và trở nên lười sáng tạo hơn khi giới thiệu món ăn cho con.

Bố mẹ nên khắc cốt ghi tâm là tất cả các trẻ đều có chứng sợ thử đồ ăn mới “food neophobia”. Đây là một đặc thù mang tính tiến hóa. Bởi con người cũng như tất cả loại động vật luôn luôn CẦN THIẾT rụt rè trước những đồ mới lạ để tránh ăn phải thức ăn độc, và sẽ chỉ cảm thấy an toàn khi có ai đó đã thử ăn và không bị ốm đau hay chết. Đặc thù này thể hiện rõ nhất ở trẻ 2-6 tuổi nên đừng vội bỏ cuộc nhé. Không chỉ con mình lười ăn đâu mà con của cả thế giới đều lười ăn vậy đó. Chỉ là chưa quen thôi.

Đừng tưởng tượng ra “con nhà người ta” háu ăn món gì cũng chén rồi tự đặt áp lực lên con mình. “Con nhà người ta” chỉ có trong truyền thuyết thôi. Bài tới mình sẽ chia sẻ 1 vài kinh nghiệm nuôi My “háu ăn” nha.

Bài viết】được chia sẻ bởi【Mymyeveryday

Đọc thêm: Chế độ dinh dưỡng hợp lý khi kết hợp 6 nhóm thực phẩm

Xin ấn thích và theo dõi tiếp