Trong những ngày đầu thu, khi tiếng trống khai trường vang lên rộn rã trên khắp miền đất nước, thì đau lòng thay, tình trạng giả làm người nhà bắt cóc học sinh lại bắt đầu rục rịch manh nha và dự báo sẽ ngày càng phức tạp. Bọn bắt cóc không từ thủ đoạn, và có mặt khắp nơi, từ những nơi thành phố đông người cho đến các vùng núi xa hẻo lánh.
Giả dạng người thân để bắt cóc trẻ
Thủ đoạn của bọn chúng là giả làm người nhà, người quen thân đến “đón hộ”, cung cấp thông tin sai lệch về gia đình học sinh để làm mất cảnh giác của thầy cô giáo hòng bắt cóc các em học sinh, hoặc lợi dụng lúc tan tầm, xe cộ và người đi lại đông đúc, trà trộn, giả danh người thân của gia đình các em học sinh để “dắt” đi.
Đối tượng nhắm tới đa phần là các em học sinh mẫu giáo và tiểu học, hoặc học sinh lớp 6,7, những lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dễ bị dẫn dụ.
Vụ việc giả làm người nhà bắt cóc học sinh từng xảy ra ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khiến cho các bậc phụ huynh và nhà trường tại địa phương hoang mang một thời gian dài là một ví dụ điển hình.
Theo nguồn tin từ báo Pháp luật và đời sống, một tháng sau khi sự việc xảy ra, nhóm phóng viên tìm đến nhà em học sinh Nguyễn Võ Tường Vy (học sinh lớp 3/4 trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (đóng tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), một trong hai nạn nhân bị bắt cóc để đưa tin thì em còn rất hoảng sợ, khuôn mặt non nớt không giấu được sự sợ hãi khi gặp người lạ. Phải nhờ ba mẹ em giới thiệu là “bạn ba mẹ” rồi làm quen, hỏi chuyện mãi Vy mới bắt đầu tin tưởng và kể lại câu chuyện người lạ giả làm người nhà bắt cóc học sinh.
“Hôm đó, sau khi tan trường, cháu cùng bạn Mai Thu Hiền (học cùng lớp) rủ nhau đi ra cổng phụ để mua bánh tiêu ăn. Sau khi mua xong, chúng cháu men theo vỉa hè để ra phía cổng chính. Vừa ăn, hai chúng cháu vừa ngồi đợi ba mẹ đến đón về. Bỗng nhiên, có hai chú đi xe máy, bịt khẩu trang tiến lại gần nói là: “Chú là bạn của bố cháu. Bố cháu bận nhờ chú chở về. Lên đây với chú!”. Chưa kịp nói gì, chú ngồi sau lập tức nhảy xuống bồng bạn Hiền lên ngồi phía trước, còn cháu cũng bị bắt ngồi phía sau. Lúc đó cháu và bạn Hiền sợ lắm, khóc ré lên rồi vùng vẫy. Thấy vậy, chú ngồi sau lấy giẻ nhét vào miệng rồi bịt khẩu trang cho cả cháu và Hiền. Cháu lấy tay tháo khẩu trang ra thì bị chú ấy dùng dao dí vào cổ nói “Im ngay không tao giết!”, Vy vừa kể vừa khóc nức nở.
Tường Vy và Hiền sợ hãi khóc thét, vùng vẫy làm cho tay lái của người thanh niên loạng choạng. Người đi đường thấy lạ nên hỏi có chuyện gì, có cần giúp đỡ không thì chúng bảo:
“Hai đứa nhỏ bị dị ứng nên phải bịt khẩu trang. Hai đứa ngứa ngáy quá nên vùng vẫy và đang phải chở hai đứa đi bệnh viện gấp”.
Khi đi đến số 62 Trần Cao Vân, thấy trước mặt xe cộ đông, kẹt đường chúng rẽ vào một đoạn đường vắng khác. Tại đây, chúng gọi điện cho một thanh niên nữa tới rồi dùng dao uy hiếp Hiền và Vy: “Đứng yên, kêu la thì tao giết” và lột của Vy một chiếc nhẫn, một dây chuyền bạc. Xong xuôi, ba tên lên xe phóng đi mất dạng. Trước khi đi chúng còn chìa dao hăm dọa: “Đứng yên đấy, đi đâu thì đừng trách”. Khi thấy bóng ba thanh niên khuất hẳn, Hiền và Vy vừa chạy thật nhanh vừa khóc. May mắn hai em gặp được bà chủ tạp hóa tốt bụng, thấy hai đứa trẻ lem luốc, nức nở nên bà kêu vào gặng hỏi. Lúc này hai em mới run rẩy kể lại sự việc rồi nhờ bà chủ tạp hóa điện thoại cho ba mẹ đến đón các em về.
Về phần ba mẹ của Tường Vy, khi đến trường, không thấy con đâu thì hết sức lo lắng. Điện thoại hỏi người thân, bạn bè và chia nhau đi tìm cũng không có. Mãi đến khi nhận được điện thoại báo con gái bị kẻ xấu giả làm người nhà bắt cóc nhưng may mắn thoát được, cả hai vợ chồng mới sửng sốt, bàng hoàng. Anh Nguyễn Đình Vũ và chị Võ Thị Phi Anh (ba mẹ của cháu Vy) nhớ lại: “Đến nơi thấy con mặt mày lem luốc, khóc nức nở mà thấy xót vô cùng. Nhưng nói gì thì nói chứ trong cái rủi cũng có cái may, nhỡ cháu có bề gì thì chúng tôi sống sao được. Sau khi đưa cháu về nhà chúng tôi lập tức lên Công an phường Tam Thuận để trình báo nhằm làm rõ sự việc”.
Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều trường hợp giả làm người nhà bắt cóc học sinh đã xảy ra trên cả nước, làm gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và ban quản lý nhà trường.
Không để kẻ xấu bắt cóc học sinh, phụ huynh cần làm theo 8 điều dưới đây
1. Hãy sử dụng mật khẩu
Khi cho con em mình đi học hoặc gửi trẻ, bố mẹ hãy đưa ra một mật khẩu cho con. Chỉ bố hoặc mẹ và người nào hay đón con mới biết được mật khẩu này. Hãy tạo cho con thói quen nhận mật khẩu khi được đón. Đồng thời hãy dặn con nhớ rằng, dù người thân hay người lạ tới đón, con nhất định phải hỏi mật khẩu. Nếu người đón không nói được mật khẩu thì ngay lập tức bỏ chạy và cầu cứu sự trợ giúp từ những người xung quanh.
2. Dạy con nói không với các món quà
Các bạn nhỏ là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ. Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, các con ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu kế của kẻ xấu, bố mẹ nên dạy con không nhận bất kỳ món đồ nào của người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng “bố mẹ cháu không cho phép nhận”. Sau đó các con hãy tìm đến chỗ có cô giáo hoặc bác bảo vệ hoặc nơi đông người hơn để tránh bị dụ dỗ.
3. Dạy con ghi nhớ thông tin của người thân
Hãy dạy con ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân của mình và địa chỉ nhà mình. Bạn hãy giúp con nhớ thật chính xác số điện thoại của ba mẹ để đề phòng trường hợp xấu có xảy ra thì con có thể nhờ bảo vệ, công an…gọi về cho bố mẹ hoặc người nhà. Ít nhất con phải nhớ được hai số của người thân trong gia đình.
Đặc biệt cần nhắc con không nên tiết lộ những thông tin này khi không cần thiết bởi con có thể cũng gặp nguy hiểm nếu tiết lộ thông tin bừa bãi.
4. Không viết một cách lộ liễu tên và thông tin trên ba lô/ cặp sách của con
Một hành động tưởng như để bảo vệ khi con bị lạc đôi khi lại trở thành mối nguy hiểm cho các bé đó là việc viết đầy đủ họ tên của con cũng như thông tin gia đình lộ liễu trên ba lô/ cặp sách của các em. Các bậc phụ huynh không ngờ rằng đó lại chính là sơ hở để kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi bắt cóc học sinh.
Trẻ con thường dễ tin những người biết tên hay thông tin về bố mẹ của mình, chính vì lẽ đó, thay vì viết một cách lộ liễu như vậy, bố mẹ nên chỉ viết ở một góc nhỏ, hoặc mặt trong/mặt sau ba lô hay cặp sách của con hay làm cho con một móc khóa nhỏ đeo vào khóa cặp. Như vậy vừa đảm bảo con em mình vẫn có thông tin gia đình đi kèm phòng trường hợp bị lạc, vừa đảm bảo không bị kẻ xấu nhìn thấy sẽ lợi dụng để dụ dỗ hòng giả làm người nhà bắt cóc học sinh.
5. Dạy con luôn cận kề cô giáo và ở trong “vùng an toàn”
Để tránh tình trạng giả làm người nhà bắt cóc học sinh, thì các con cần được nhắc nhở phải luôn bám sát vào cô/thầy giáo của mình. Khi có người lạ đến tự xưng là người thân đến đón về, học sinh phải quay trở lại trường báo ngay cho cô giáo biết. Cô giáo gọi điện cho ba mẹ xác minh xem có đúng hay không.
Phụ huynh và nhà trường cần phân rõ cho trẻ thế nào gọi là “vùng an toàn”, khi trẻ đi học, “vùng an toàn” của trẻ chính là khu vực lớp học với sự giám sát của giáo viên và khu vực sân trường nơi có các bác bảo vệ. Đặc biệt các em cần nghe theo hướng dẫn cô giáo để ra khỏi khu vực nhà trường, không được tự ý rời khỏi “vùng an toàn” của mình.
6. Cài đặt ứng dụng theo dõi con và dạy con sử dụng thiết bị liên lạc khẩn cấp
Sự ra đời của công nghệ mang đến rất nhiều ưu điểm, trong đó việc quản lý và theo sát cũng như bảo vệ con thông qua một chiếc đồng hồ thông minh dành cho các bé ở độ tuối từ 5 -15 tuổi tích hợp định vị và nút gọi khẩn cấp SOS là điều cần thiết dành cho các bậc phụ huynh bận rộn trong thời buổi hiện đại.
7. Dạy con phòng vệ
Cần phải hướng dẫn con những cách “phản kháng đơn giản” khi có người lạ tiếp cận như: cắn vào tay của kẻ bắt cóc, đá vào chân, đầu gối và vùng nhạy cảm của kẻ lạ và cố sức hét thật to: “Đây không phải bố mẹ của tôi” để nhận được sự trợ giúp và tìm cơ hội chạy đi. Trong trường hợp con bị bịt miệng lôi đi, dạy con vùng vẫy thật mạnh, bằng mọi cách tạo nên tiếng động nhằm gây được sự chú ý cho người xung quanh để nhận được trợ giúp. Đừng dạy suông, hãy thường xuyên thực tập cho con để tạo cho con thành phản xạ, khi đó con sẽ ứng dụng tốt hơn khi gặp kẻ bắt cóc học sinh trong thực tế.
8. Đừng bao giờ để con phải đợi
Sự bận rộn sẽ dễ khiến các bậc phụ huynh bị sao nhãng chuyện đưa đón con em của mình đúng giờ giấc. Đó sẽ là yếu tố gây nên sự nguy hiểm cho các em khi trẻ lang thang đợi bố mẹ, người nhà đến đón một mình. Tội phạm sẽ tận dụng thời cơ để dẫn dụ hoặc lôi kéo các em đi. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hãy luôn có kế hoạch dành cho con thật rõ ràng, phân công người đưa đón con, và phối hợp với nhà trường để có sự kết nối cung cấp thông tin cần thiết khi có việc đột xuất phải nhờ người khác đón hoặc đến đón con trễ.
—
Tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, chỉ một phút lơ là của người lớn là con trẻ có thể gặp nguy hiểm. Giả làm người nhà bắt cóc học sinh là thủ đoạn không còn xa lạ, phụ huynh và nhà trường cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với những chiêu trò của kẻ xấu và luôn phải dạy các bé những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình. Hãy để những mầm non đất nước được học tập và phát triển trong một môi trường lành mạnh và an toàn!
Xin ấn thích và theo dõi tiếp