Không còn xa lạ gì đối với những người dân Hà Nội, khi chứng kiến khói xe bụi đường mỗi ngày tham gia giao thông. Không còn xa lạ gì đối với những người dân Việt Nam khi nghe thông tin Việt Nam (đặc biệt là Hà Nội và các thành phố lớn) lọt top những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên thế giới. Làm thế nào để giảm thiểu những tác hại của vấn nạn này?
1. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Trong thời gian gần đây, Hà Nội là thành phố luôn nằm trong top những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, với chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) luôn nằm ở ngưỡng không an toàn đối với nhóm người nhạy cảm hoặc ngưỡng không an toàn. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội ở thời điểm hiện tại cao hơn nhiều so với Jakatar (Indonesia) và Kabul (Afghanistan), thậm chí thành phố luôn nằm trong mức “báo động đỏ” như Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng chỉ đứng thứ 6.
Tại Hà Nội, rất nhiều ngày liên tiếp, quận Tây Hồ có chỉ số AQI đạt mức 177, các khu vực Hàng Đậu: 166, Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 157, Láng Hạ: 155 đều nằm trong mức không an toàn.
2. Bảo vệ bản thân khỏi tình trạng ô nhiễm bằng cách nào?
Trước khi có những biện pháp khắc phục tốt hơn về vệ sinh môi trường và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các cấp chính quyền thì bạn cần bảo vệ bản thân và gia đình bằng những cách sau đây:
#/ Trong nhà:
– Giữ nhà cửa thoáng mát, lưu thông không khí: Đừng nghĩ rằng nên đóng kín cửa để tránh khói bụi xâm nhập. Điều này vô tình khiến những khí độc hại ở trong nhà không thể thoát ra ngoài được. Những khí này có thể gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ và người lớn, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kích ứng mắt, mũi, họng, cản trở hô hấp, thậm chí gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.
– Sử dụng máy lọc không khí: Chiếc máy lọc không khí sẽ là công cụ hữu hiệu để loại bỏ những bụi bẩn và các chất gây dị ứng
– Trong quá trình nấu ăn: Lưu ý luôn bật hút mùi khi nấu ăn. Khí gas dùng trong việc nấu ăn khi bị đốt có thể sản sinh ra các chất độc như nito đioxit, cacbon oxit, formanđehit.
#/ Bên ngoài:
– Cần sử dụng khẩu trang và kính chắn bụi khi ra ngoài
– Che chắn xe đẩy em bé khi đẩy xe ra ngoài
– Tránh những tuyến đường tắc nghẽn, đông đúc, đang thi công: Thực tế cho thấy, những tuyến đường có xảy ra tắc đường thường xả ra nhiều hơn khói bụi và ô nhiễm. Việc tránh di chuyển những tuyến đường này khiến cho phổi được hít thở bầu không khí “trong lành” hơn.
– Tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng: Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 cho thấy, khách bộ hành, người đi xe đạp và ôtô hít lượng khí gây ô nhiễm nhiều hơn 33% so với những người đi xe buýt. Nguyên nhân là do luồng không khí lưu thông vào trong ôtô thường đến từ phía trước – trong nhiều trường hợp thường chứa khí thải từ ống xả của các phương tiện đi trước.
#/ Nâng cao sức khỏe và sức đề kháng:
Nếu như chưa thể thay đổi những yếu tố bên ngoài, thì việc duy trì một lối sống lành mạnh và nâng cao sức đề kháng của bản thân là điều nên và cần thiết phải làm.
– Tập luyện thể dục thể thao: Thực tế là việc ô nhiễm từ các phương tiện giao thông là một nguy cơ dẫn tới các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen, những người rèn luyện thường xuyên ngoài trời giảm nguy cơ bị đau tim.
– Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung vitamin D: Những phân tử siêu nhỏ từ khí thải của các phương tiện giao thông có thể lọt vào phổi con người. Một nghiên cứu mới đây cho thấy vitamin D có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng của các phân tử này.
Hi vọng những thông tin trên đây một lần nữa nhắc nhở bạn có ý thức giữ gìn sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn, khi mỗi ngày đều sống và làm việc ở thành phố có mức độ ô nhiễm rất cao này. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Đọc thêm: Hãy thay thế ngay những vật dụng này, nếu bạn không muốn cả gia đình rước bệnh vào thân
Xin ấn thích và theo dõi tiếp