Theo Peggy Moss, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bắt nạt và trêu chọc: “những vết thương và hậu quả của việc bị bắt nạt và trêu chọc, không được can thiệp kịp thời, có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả cuộc đời chúng. Trước đây, nhiều người lớn nghĩ rằng, chẳng có gì bất thường về việc trẻ bắt nạt và trêu chọc nhau, bởi vì nghĩ đây là “trò trẻ con”. Có thể bạn chưa biết một điều, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người già 80 tuổi họ còn nhớ như in tên của người hay bắt nạt họ lúc nhỏ. Vết thương do bị bắt nạt kéo dài nhiều khi suốt cuộc đời. Hiện nay, chúng ta đã có đủ thông tin về tác hại của việc trẻ bị bắt nạt, vậy bố mẹ cần làm gì?
Làm sao để nhận biết con bị bắt nạt hoặc trêu chọc?
Theo chuyên gia tâm lý, sở dĩ một đứa trẻ hay bị bắt nạt là do tính cách nhút nhát, yếu đuối, không tự tin, thụ động, được cha mẹ bao bọc kỹ quá nên không biết ứng phó trước những tình huống diễn ra trong cuộc sống.
Khi con bạn bị bắt nạt thì trên người chúng thường xuất hiện những vết bầm tím, trầy xước, hoặc vết thương mà cha mẹ không rõ lý do như quần áo, cặp sách bị rách, tóc tai bù xù… Tinh thần hoảng loạn, sợ hãi khi đến trường hoặc khi từ trường trở về nhà, không muốn đi học, hoặc xin bố mẹ rất nhiều tiền.
Khi phát hiện con bị bắt nạt, bố mẹ cần làm gì?
– Việc đầu tiên bố mẹ cần làm đó là nên thường xuyên hỏi han con trẻ về chuyện xảy ra ở trường, chuyện bạn bè, học hành, các mối quan hệ xung quanh… Thậm chí, kể cả những điều nhỏ nhặt như bị bạn gọi tên chế giễu hay không, để biết con bị bắt nạt hay không.
– Ngoài ra, theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ cần chú ý lắng nghe, khơi gợi để trẻ kể tường tận sự việc trước khi phê phán, phán xét sự việc, tránh trường hợp con bị bắt nạt nhưng lại trách nhầm con.
– Cần kịp thời giúp trẻ khắc phục thương tổn (nếu có) về cơ thể do con bị bắt nạt.
– Nếu vụ việc nghiêm trọng, cha mẹ có thể yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường hay cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết dứt điểm vấn đề con bị bắt nạt.
– Đối với trường hợp xấu nhất là con bạn bị bạn đánh, rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết có nên dạy con nên đánh trả hay không. Một số người cho rằng không nên dạy bé đánh lại bạn vì như vậy sẽ làm hư bé nhưng một số khác lại có ý kiến cho rằng đánh trả là cách để tự vệ.
Bởi vậy ngay từ đầu bố mẹ cần dạy con khi con bị bắt nạt rằng: trong trường hợp cần thiết đánh trả, con cần hiểu việc đánh nhau chỉ là bất đắc dĩ, mục đích chính là để tự vệ, tránh cho con có hành động không tốt.
-Đặc biệt, bố mẹ cũng cần biết rằng con bị bắt nạt một phần có thể là do con mình. Do đó, giúp con hoàn thiện bản thân chính là tìm ra điểm yếu của con.
– Khuyến khích con bạn đọc truyện truyền cảm hứng. Điều này có thể đem lại kết quả tích cực trong suy nghĩ của con mà không cần sử dụng đến bạo lực hoặc quyền lực.
– Tiếp theo, một điều bố mẹ đặc biệt lưu ý khi con bị bắt nạt đó là bố mẹ cần dạy cho trẻ cách “đáp trả”, thay vì dạy trẻ “đánh trả”. Bởi khi đánh trả, trẻ có thể không bảo vệ được mình mà trở thành người có hành vi sai trái, thậm chí làm cho mâu thuẫn trầm trọng.
– Mặt khác, khi con bị bắt nạt thì cần bình tĩnh nhìn vào mắt bạn và nói “tại sao bạn lại đánh mình?”, “sao bạn bắt nạt mình?”. Cách đáp trả này có thể khiến cho kẻ dọa nạt dừng ngay hành động xấu và con bạn sẽ có cơ hội giải thích, làm dịu căng thẳng, giải quyết vấn đề.
Và hãy chuyển từ đối đầu sang đối thoại, sẽ tránh được việc con bị bắt nạt và đối phó với những trò quái ác của bạn bè.
Trẻ con bị bắt nạt là điều không một bậc phụ huynh nào mong muốn. Tuy vậy, hãy bắt đầu từ chính mỗi phụ huynh thông qua việc biết lắng nghe và chia sẻ với con của mình. Hãy cùng nhau lên tiếng để cảnh báo và thúc đẩy những người có trách nhiệm phải quan tâm đến trẻ em, để trẻ em có thể có được một môi trường học tập và phát triển hiệu quả nhất.
Thông qua bài viết này, MamaClub mong rằng ông bố bà mẹ hãy thực sự hiểu con, và là người bạn đồng hành cùng con vì một tương lai tươi sáng.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp