Sức đề kháng non nớt của trẻ sơ sinh trong thời tiết lành lạnh của mùa thu – đông rất dễ bị tấn công. Sổ mũi, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi là vấn đề thường gặp, cho dù cha mẹ có giữ bé kín gió đến đâu. Có rất nhiều bố mẹ trẻ loay hoay chưa biết nên xử lý vấn đề này như thế nào cho con cảm thấy dễ chịu và không quấy khóc. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Nghẹt mũi là mũi của trẻ bị nghẹt, tắc, làm trẻ cảm thấy vướng víu, khó chịu, cản trở luồng hô hấp. Khi bị nghẹt mũi, trẻ thường quấy khóc, và có thêm các dấu hiệu khác như: sổ mũi, ho, chảy nước mũi, hắt hơi… Lâu dần, nếu không được xử lý kịp thời, chất nhầy chảy xuống họng sẽ gây ngứa rát cổ họng và ho đờm. Vậy bố mẹ nên làm như thế nào?
1. Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý mẹ nên sử dụng có tỷ lệ 0,9%, vừa có tác dụng làm sạch mũi, sát khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn tấn công khoang mũi, lại vừa làm cho rỉ mũi có sẵn trở nên mềm ra và dễ vệ sinh hơn. Việc nhỏ mũi này khiến cho trẻ cảm thấy thông thoáng, dễ thở hơn, dù chưa phải là cách ngay lập tức trị dứt điểm dấu hiệu của bệnh nghẹt mũi.
Một ngày, mẹ nên nhỏ mũi cho trẻ từ 3-4 lần, đặc biệt là vào cữ bú của trẻ, và trước khi đi ngủ. Khi mũi được thông thoáng trước khi bú, bé sẽ đỡ ho trớ và ăn ngoan hơn.
2. Hút mũi bằng dụng cụ chuyên dụng
Nếu như quá nhiều dịch nhầy gây cản trở lớn đến hô hấp và sinh hoạt của trẻ, thì mẹ hãy dung dụng cụ chuyên dụng để hút chúng ra nhé. Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi dung để không làm tình trạng viêm mũi của bé nghiêm trọng hơn, cũng như vi khuẩn có nhiều cơ hội thâm nhập hơn nhé. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy dễ thở hơn, đỡ ngột ngạt và ngoan hơn nữa đấy. Nhưng mẹ cũng cần lưu ý, để tránh gây kích ứng niêm mạc mũi, mẹ không nên hút mũi cho trẻ quá 1 lần/ngày đâu nhé.
3. Xông hơi
Xông hơi là một phương pháp được ưa chuộng từ cổ chí kim, vừa giúp làm lưu thông khí huyết, đẩy lùi triệu chứng nghẹt mũi, ho hắng… Vì thế, việc cho trẻ sơ sinh xông hơi cũng là một cách. Mẹ có thể sử dụng thêm 1 vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc dầu tràm. Hít thở không khí có mùi tinh dầu thơm nhẹ sẽ làm bé thông mũi hơn.
4. Massage cánh mũi
Mẹ có thể kết hợp massage cánh mũi cho bé để chất nhầy dễ tan ra, giúp bé dễ chịu hơn.
5. Cho bé bú nhiều cữ
Trẻ sơ sinh có ống mũi nhỏ, khi nghẹt mũi, bé sẽ rất dễ bị ngạt và thở bằng miệng. Điều này vừa khiến bé dễ bị nôn trớ khi cho ăn quá nhiều, vừa khiến bé dễ khô họng, mất nước. Vì vậy, mẹ hãy bổ sung bằng cách cho bé bú nhiều cữ hơn với lượng ăn chia nhỏ theo từng đợt nhé.
6. Bổ sung độ ẩm trong phòng
Khi không khí trở nên khô hanh hơn, tình trạng nghẹt mũi của bé sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Chất nhầy sẽ đóng vẩy tạo thành kén trong khoang mũi, càng khiến cho bé khó chịu. Mẹ nên bổ sung thêm độ ẩm trong phòng, vừa giúp cho da dẻ đỡ hanh nẻ, vừa giúp cho mũi bé không bị khô và khó chịu.
7. Khi ngủ, nâng cao đầu bé hơn
Tương tự như người lớn, khi bị nghẹt mũi, bé sẽ ngủ ngon hơn nếu như mẹ đặt thêm một chiếc khăn ở dưới đầu trẻ, để nâng đầu bé cao hơn một chút. Tuy nhiên, mẹ đừng sử dụng chiếc gối cao như người lớn nhé, sẽ làm bé mỏi cổ hơn đấy.
Chúc bé sẽ luôn khỏe mạnh trong mùa thu đông sắp tới!
Xin ấn thích và theo dõi tiếp