Bệnh sởi là một căn bệnh không còn xa lạ và là một trong những bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch rất cao. Điều đáng lo ngại là bệnh sởi lại là bệnh dễ gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là vào mùa Đông Xuân, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Phải làm gì khi trẻ nhiễm sởi là mối quan tâm hàng đầu của không ít ông bố bà mẹ.
Sởi là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh sởi
Sởi do virus sởi gây nên, bệnh sởi thường lây lan qua đường hô hấp thông qua ho, hắt xì, trò chuyện… Theo thống kê của cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tính đến đầu tháng 3 năm 2019, Việt Nam đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, trong đó tỷ lệ trẻ nhiễm sởi chiếm đến hơn 80%.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong trực tiếp nhưng nếu bố mẹ không biết chăm sóc trẻ mọc sởi đúng cách trẻ sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh, dẫn đến các biến chứng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp…, các biến chứng này trở nặng lại chính là nguyên nhân gây nên tử vong ở trẻ nhỏ.
Các dấu hiệu, triệu chứng đúng khi trẻ nhiễm sởi
Thời gian ủ bệnh của sởi thường từ 7-14 ngày, dưới đây là những triệu chứng, dấu hiệu đúng khi trẻ nhiễm sởi:
+ Khi nhiễm sởi, trong 2 ngày đầu trẻ sẽ sốt cao trên 39°C, xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, lừ đừ, biếng ăn.
+ Trẻ nhiễm sởi sẽ bị viêm long đường hô hấp, ho khan kéo dài, đi kèm là hiện tượng chảy nước mũi, đỏ mắt, mí mắt sưng, viêm màng mắt, có hạt Koplik trong miệng.
+ Sau khi sốt cao tầm 2 ngày, tới ngày thứ 3,4 thì trẻ bắt đầu nổi ban. Ban sởi xuất hiện theo thứ tự: từ sau tai, đầu, lan ra mặt, cổ, tiếp theo mọc lan ra toàn thân. Khi trẻ phát ban những ngày cuối trẻ cũng sẽ đỡ sốt hơn và biểu hiện viêm đường hô hấp thuyên giảm hơn.
Cách chăm sóc trẻ mọc sởi tại nhà
Đối với bệnh sởi ở trẻ, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ mọc sởi.
– Khi phát hiện trẻ bị nhiễm sởi, cần chú ý theo dõi các biểu hiện của trẻ, tránh nhầm lẫn với nổi ban thường dẫn tới điều trị sai cách.
– Bố mẹ luôn nhớ trẻ nhiễm sởi sẽ sốt cao trên 38.5°C, khi đó cần cho trẻ uống hạ sốt theo đúng liều lượng 10g-15g/kg, uống 5 – 6 tiếng/lần và tích cực lau cơ thể cho trẻ bằng khăn ấm để trẻ hạ sốt, tránh sốt quá cao dẫn tới co giật nguy hiểm. Chú ý tuyệt đối tránh gió lạnh gây biến chứng khi trẻ mọc sởi, tuy nhiên cần cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, tránh trùm kín trẻ nhiễm sởi làm cho bệnh trầm trọng hơn.
– Đảm bảo vệ sinh thân thể trẻ mọc sởi hằng ngày bằng nước ấm. Nhỏ mắt, mũi, miệng, rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% ngày 3,4 lần. Lưu ý vệ sinh móng tay móng chân của trẻ tránh để trẻ mọc sởi khó chịu gãi xước da gây bội nhiễm.
– Cho trẻ nhiễm sởi ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ, cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Không cho trẻ mọc sởi ăn những thực phẩm kích thích dị ứng như hải sản tôm cua… Đối với trẻ còn bú mẹ thì cần tích cực cho trẻ bú đầy đủ để đảm bảo năng lượng cho cơ thể trẻ.
– Người tiếp xúc trực tiếp với trẻ nhiễm sởi cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
– Cách ly trẻ nhiễm sởi từ lúc nghi nhiễm tới khi trẻ phát ban hoàn toàn với người không nhiễm sởi.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
– Trẻ nhiễm sởi bị sốt cao liên tục 39°C- 40°C kéo dài trên 3 ngày.
– Nhận thấy trẻ khó thở, thở nhanh, thở gấp:
+ Trẻ dưới 1 tuổi: thở nhanh trên 50 nhịp thở/1 phút.
+ Trẻ trên 1 tuổi: thở nhanh trên 40 nhịp thở/1 phút.
– Trẻ mọc sởi có hiện tượng loét miệng, ngủ li bì không tỉnh, trẻ bỏ ăn hoàn toàn, khóc không có nước mắt,…
– Trẻ phát ban sởi toàn thân mà vẫn sốt cao trên 38.5°C.
Biện pháp phòng chống bệnh sởi cho trẻ
– Đưa trẻ đi tiêm chủng vac xin sởi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là biện pháp phòng bệnh sởi cho trẻ đặc hiệu và tốt nhất.
– Bố mẹ cần giúp trẻ hoặc nhắc nhở trẻ tắm rửa, vệ sinh cá nhân hằng ngày, đặc biệt là mắt mũi, tay chân. Tránh cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, ly cốc, bàn chải, chén bát… sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh.
– Thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường sống, những khu vực thường xuyên sử dụng như sàn nhà, bàn ghế, kể cả đồ chơi trẻ thường tiếp xúc bằng chất tẩy rửa an toàn. Nên trồng nhiều cây xanh, mở cửa sổ thông thoáng nhà cửa, cho trẻ hít thở không khí trong lành.
– Khi phát hiện người hoặc khu vực có dịch sởi, bố mẹ cần cách ly trẻ ngay lập tức, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nguồn bệnh, trong trường hợp phải tiếp xúc với người hoặc khu vực có dịch sởi, bố mẹ nên cho con đeo khẩu trang y tế và thường xuyên giám sát nhắc nhở con đề phòng lây bệnh.
Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp cho các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để xử lý khi trẻ nhiễm sởi, biết chăm sóc trẻ mọc sởi đúng cách giúp trẻ mau lành bệnh cũng như có các biện pháp đề phòng, bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm sởi rình rập khi thời tiết giao mùa sắp tới.
Đọc thêm: Quấn bé sơ sinh khi ngủ, và những lưu ý mẹ cần lưu tâm khi dùng khăn quấn bé
Xin ấn thích và theo dõi tiếp