Bí quyết chi tiêu thông minh dành cho các mẹ bỉm sữa

Bí quyết chi tiêu thông minh dành cho các mẹ bỉm sữa

Người nội trợ thông mình, đảm đang ngoài việc biết quán xuyến các hoạt động của gia đình, còn phải biết quản lý tài chính. Việc tính toán chi tiêu trong gia đình thường rất quan trọng. Các bạn phải luôn cẩn thận nếu không có thể gây thiếu hụt ‘ngân sách gia đình’ và gặp khó khăn với những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Emma làm mẹ, làm vợ hơn 5 năm, bên cạnh công việc cá nhân thì phần lớn tớ dành thời gian ở nhà nội trợ nên cũng tích lũy được một số kinh nghiệm chia sẻ cùng cả nhà tham khảo nhé!
Để quản lý chi tiêu một cách thông minh, các bà nội trợ nên bắt đầu bằng việc trả lời các câu hỏi:

  • Bạn có sẵn bao nhiêu tiền?
  • Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
  • Bạn đang tiêu bao nhiêu tiền?
  • Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?
Bí quyết chi tiêu thông minh dành cho các mẹ bỉm sữa
Ảnh minh họa

1. Nên xác định rõ các nguồn thu:

  • Từ lương;
  • Từ lãi suất tiết kiệm;
  • Từ nguồn khác: (thù lao tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn, viết sách, lợi nhuận kinh doanh, hỗ trợ (nếu có)…

2. Xác định các loại chi tiêu

  •  Chi thường xuyên (ăn uống, điện nước, thông tin liên lạc, học phí, quần áo giày dép, thuê nhà cửa, xăng xe, trả lãi vay…): chiếm quãng 80% nguồn thu;
  • Chi đột xuất: (hiếu, hỉ, thăm hỏi ốm đau, chữa bệnh, du lịch, sửa chữa vật dụng, ủng hộ từ thiện…): chiếm quãng 15% nguồn thu;
  •  Chi tiết kiệm (mục đích cho đầu tư, tiết kiệm hay mua sắm, cho con đi du học, học thêm các môn ngoại khóa): Chiếm quãng 5%.

Các khoản thu – chi đương nhiên không ổn định mà luôn biến động theo thời gian, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dự liệu theo năm và điều chỉnh theo tháng, làm sao để tổng thể các khoản chi tiêu không phá vỡ tỷ lệ đã đặt ra.

3. Bí quyết cải thiện chi tiêu hiệu quả

#Hình thành tư duy tiết kiệm đúng đắn

Bí quyết chi tiêu thông minh dành cho các mẹ bỉm sữa
Ảnh minh họa

Chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi, đại loại như nếu thu nhập thấp, ăn còn không đủ nói gì đến tiết kiệm?, hay “thời gian đâu mà ngồi nghĩ ra kế hoạch này nọ, cứ chi tiêu khi cần thôi…”.
Thực ra, dù bạn thu nhập thế nào, nhiều hay ít, bạn vẫn phải duy trì cuộc sống với tất cả các mục kê ra ở trên. Bạn không lập kế hoạch chi tiêu thì mọi việc sẽ diễn ra một cách tự phát và đương nhiên, sẽ có lúc khiến bạn bị động.

Các cụ đã có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đối với các gia đình thu nhập còn hạn hẹp, hoàn toàn có thể du di các khoản chi tiêu cho phù hợp và tìm mọi cách để có thể tiết kiệm chi. Tiết kiệm chi ở đây không phải là cắt giảm mục chi, không chi nữa, mà là tìm địa chỉ mua rẻ, hàng tốt…

#Ghi chép tỉ mỉ các khoản chi tiêu

Không có gì thể hiện trách nhiệm với tiền bạc như dành ít nhất một ngày trong tuần cho việc cập nhật và theo dõi các tài khoản thu chi hay tiết kiệm bằng một cuốn sổ tay cá nhân. Học được thói quen theo dõi tiền bạc sẽ đem lại tác dụng kép cho việc tiết kiệm: không chỉ cho thấy tiền của bạn đang đi về đâu (ăn chơi hay giáo dục, để dành hay phung phí…), nó còn giúp bạn lập ngân sách cụ thể và theo dõi tiến trình của từng mục tiêu tài chính (để dành mua xe, sửa nhà…).

#Trì hoãn trước khi mua hàng

Kết quả nghiên cứu của các tổ chức tín dụng cũng như bán lẻ cho thấy phụ nữ có xu hướng chờ đợi lâu hơn trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Khoảng thời gian chờ đợi (trung bình 48h) này sẽ khiến cho bản thân bạn có nhận định chính xác về khoản chi này, nó có thực sự thiết yếu hay chỉ nhằm thoả mãn mong muốn nhất thời. Tiết kiệm không phải là từ chối mọi nhu cầu chính đáng, mà là tối ưu việc bỏ tiền ra bằng cách loại trừ những chi tiêu không cần thiết.

#Lập kế hoạch shopping- tiết kiệm thời gian và chi phí

Bí quyết chi tiêu thông minh dành cho các mẹ bỉm sữa
Ảnh minh họa

Lúc mới về làm dâu ở với mẹ chồng, Emma để ý thấy bà kiểm tra hễ đồ nào sắp hết hay hết rồi thì ghi vào một tờ giấy để hôm sau đi chợ. Lúc đầu Emma nghĩ chắc bà hay quên nên mới làm thế nhưng thật ra không phải vậy. Ngay bản thân Emma cũng thế khi đi chợ thường nhớ cái này quên cái khác. Từ ngày áp dụng cách mẹ dạy, Emma không quên một thứ gì thậm chí trong nhà lúc nào cũng có sẵn đồ dự trữ.

Dưới đây là 1 số lợi ích của việc lập 1 shopping list trước khi mua sắm:

  • Giúp bạn mua đủ đồ mà không quên
  • Giúp bạn tiết kiệm tiền
  • Giúp bạn chủ động lên kế hoạch tài chính cho việc ăn uống
  • Giúp bạn đánh giá được chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn
  • Giúp bạn tiết kiệm thời gian

Mỗi lần đi chợ mua đồ Emma đều mang theo tờ giấy shopping list, về nhà kiểm lại không trật 1 đồ nào, lại rất tiết kiệm.

Chúc cả nhà sức khỏe và thành công!

Bài viết】được chia sẻ bởi【Emma Pham Kitchen

Đọc thêm: 3 câu nói các nàng dâu thông minh tuyệt đối không thể nói trước mặt mẹ chồng

Xin ấn thích và theo dõi tiếp