Thai nhi chậm tăng trưởng (IUGR) cần chú ý gì?- Bác sĩ Trần Trung Đạo

Thai nhi chậm tăng trưởng

Đầu buổi khám, một cặp vợ chồng lớn tuổi với nét mặt lo lắng bước vào. Số là, chị năm nay 43 tuổi, hôm trước đi khám bác sỹ nói cân nặng của bé không đạt theo chuẩn, sợ bệnh lý thai chậm tăng trưởng.

Anh chị lo lắng lắm vì lớn tuổi rồi, cũng cố thằng ku cho vui cửa vui nhà… không nghĩ lần mang thai này nguy cơ vậy, 2 lần trước đẻ sòn sòn có sao đâu.

Khám, xét nghiệm, CTG và siêu âm kỹ càng bác sĩ nói thai của anh chị đúng là bệnh lý chậm tăng trưởng nhưng vẫn theo dõi tiếp được, chưa phải can thiệp gì ngay. Ánh mắt mừng rỡ vì trước đó có quá nhiều tư vấn về rủi ro, về nguy cơ, rồi can thiệp ngay không mất tim thai…chứ chưa có được sự động viên, tư vấn đúng nào.

1. THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG (IUGR) VÀ THAI NHỎ SO VỚI TUỔI THAI

Quả thật hai thuật ngữ ngày nghe hàn lâm, khó hiểu. Bác sỹ nào không phải chuyên môn sản nghe cũng khó phân biệt được… viết dễ hiểu là thế này:

• Thai chậm tăng trưởng: là thai nhỏ (<10th) và có bệnh lý, bệnh lý ở đây bản chất là thai thiếu dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu Oxy) do bất thường cung cấp máu của bánh rau.

• Thai nhỏ so với tuổi thai: là thai nhỏ (<10th) và không kèm bệnh lý. Hàm ý thai này chỉ kích thước nhỏ đơn thuần, tốc độ tăng trưởng của thai vẫn bình thường (do thể tạng)

IUGR

Như vậy khi phát hiện thai nhỏ, cần xem xét xem có đúng là “THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG” không nhé.

2. PHÂN LOẠI THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG?

Có 2 loại (chia theo tuổi thai):

*KHỞI PHÁT SỚM (trước 32w):

• Bệnh lý bánh rau thường nặng nên Doppler động mạch rốn mới bất thường

• Thường phối hợp với bệnh lý tiền sản giật

• Thường thai sẽ thiếu Oxy nghiêm trọng

• Tỷ lệ tử vong cao

*KHỞI PHÁT MUỘN (sau 32 tuần):

• Bệnh lý về bánh rau nhẹ nhàng thôi nên Doppler động mạch rốn bình thường

• Ít kết hợp tiền sản giật

• Thai thiếu Oxy nhẹ

• Tỷ lệ tử vong thấp nhưng hay bị lưu gần ngày dự sinh.

3. PHÁT HIỆN VÀ XỬ TRÍ CHẬM TĂNG TRƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?

Xác định đúng tuổi thai để làm mốc là rất quan trọng. Dựa vào siêu âm để đánh giá, một khi cân nặng thai nhỏ (<10th) ta sẽ khảo sát Doppler, đo lượng nước ối. Sẽ được phân thành 4 độ như sau (không phải độ ta không độ nàng đâu nhé):

*ĐỘ 0:

• Nhẹ cân, Doppler động mạch não rốn và não giữa bình thường.

• Xử lý: Doppler 2 tuần 1 lần kèm chạy CTG.

*ĐỘ 1:

•Nhẹ cân, Doppler động mạch rốn hoặc não giữa bất thường.

•Xử lý: Doppler tuần 1 lần kèm chạy CTG, tiêm trưởng thành phổi, điều trị tiền sản giật (nếu có)—>thường sẽ mổ lấy thai.

*ĐỘ 2:

•Nhẹ cân, mất hoặc đảo ngược sóng tâm trương động mạch rốn.

•Xử lý: Dùng trưởng thành phổi , Doppler 1 lần/ ngày, CTG ngày 2 lần.
Nếu CTG “kém” —>mổ lấy thai.

*ĐỘ 3:

•Nhẹ cân, sóng a âm (bất thường ống động mạch).

•Xử trí: lúc này nặng lắm rồi, xử trí như độ 2, giải thích cho người nhà nguy cơ, nếu có thể thì mổ lấy thai khi tuổi thai có thể sống được.

*LƯỢNG NƯỚC ỐI: Khi thai thiếu Oxy lượng máu đến thận thai giảm—>nước tiểu tạo ra ít—>thiếu ối. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại và là yếu tố cần để đánh giá tình trạng thai. Ối giảm là triệu chứng của IUGR chưa không phải nguyên nhân của IUGR

Đọc thêm: Mẹ đã hiểu đúng ý nghĩa các từ viết tắt trong phiếu khám thai?

IUGR 1

4. LƯU Ý

• Độ 0 có thể cho đẻ thường

• Độ 2,3,4 thường mổ lấy thai vì lúc này sức khoẻ thai “yếu” lắm, khó có thể chịu đựng được cơn chuyển dạ có thể kéo dài.

• Với thai sinh trước 32w, có thể dùng magnesium sulfat để bảo vệ não thai.

• Cần đánh giá IUGR có kèm tiền sản giật hay không.

• Aspirin dùng hay không hiện đang còn tranh cãi.

• Những em bé đẻ ra trọng lượng nhỏ nhưng phổi thường tốt hơn nhiều so với thai cùng tuổi thai bình thường thường, có lẽ “nhà nghèo” khổ quen rồi nên khoẻ rắn rỏi hơn chăng?😁

5. TÓM TẮT NHANH

• IUGR là lĩnh vực sản khoa còn nhiều tranh luận về thời điểm lấy thai ra và cách xử lý.

• Tuổi thai là rất quan trong để đánh giá đúng tình trạng của thai (tính theo ngày đầu kinh cuối, thai 12 tuần hay ngày chuyển phôi với thai IVF).

• Xử lý IUGR sớm quá thì thai non, khó nuôi nhưng muộn quá thai nguy cơ mất tim thai—>Chọn thời điểm phù hợp nhất để lấy thai ra là “nghệ thuật” của bác sỹ sản khoa.

• IUGR là bệnh lý bánh rau nên hiện chưa có thuốc hay đồ ăn nào có tác dụng để cải thiện hiệu quả tình trạng của thai (đó là lý do bác sĩ chẳng kê thuốc gì nhiều cho sản phụ mà cứ hẹn khám hoài)

Bài viết】chia sẻ từ 【BS Trần Trung Đạo

Xin ấn thích và theo dõi tiếp