Hôm nay tớ mới xem 1 bộ phim có đoạn thế này, trong 1 quán nhậu, người chồng đang ăn uống cùng bạn bè, rồi bỗng anh ta có điện thoại của vợ gọi, sau đó liền đáp: “Gọi gì mà gọi nhiều thế, tối tôi về, nhiều chuyện!”. Nói xong, anh lại quay sang hội chiến hữu: “Uống đi này các cậu, bữa nay tôi mời! Lâu lắm mới gặp nhau!”. Đám bạn gọi anh là thằng bạn “chơi được” nhất, tử tế quá! Còn về phân cảnh chị vợ thì đang ngồi ngao ngán, một mình đợi cơm chồng.
Mọi người thấy điều gì trong câu chuyện này?
Riêng đối với Emma, tớ thấy chúng ta thường hay mắc phải một sai lầm đó là đối xử chưa tốt với người thân nhưng lại khoan dung, tử tế với người lạ. Emma thử liệt kê lý do cả nhà xem có đúng không nhé!
Nguyên nhân 1: Chúng ta nghĩ rằng tình cảm đủ lớn để chịu đựng
Một ngày của chúng ta phải dành thời gian với người lạ hoặc người thân. Trong khi ở nơi làm việc hay trường học, chúng ta phải mang khuôn mặt vui vẻ đối diện mọi người, cư xử lịch sự nhất, để tỏ ra tốt bụng và có văn hóa trước mặt người khác.
Tuy nhiên, khi về đến nhà hoặc ở cùng những người thân thiết, chúng ta sẽ buông lỏng ngay lập tức. Chúng ta thấy thoải mái hơn khi được là chính mình bên cạnh người thân. Tuy nhiên là chính mình cũng có nghĩa là thể hiện mọi mặt tính cách, kể cả mặt xấu.
Nguyên nhân 2: Chúng ta không dám thể hiện bản thân khi ở cạnh người lạ
Khi gặp gỡ người mới, chúng ta không thực sự thể hiện tính cách thật của mình. Chỉ khi đã thân thiết hơn chúng ta mới dám thể hiện. Ngay cả khi họ làm chúng ta khó chịu, chúng ta cũng không dám làm lớn chuyện vì ta không rõ họ sẽ phản ứng ra sao.
Nhưng với người thân thì lại khác. Khi người thân làm điều gì khiến ta khó chịu, chúng ta sẽ thoải mái nói điều đó ra. Bởi chúng ta quá thân thiết với người nhà, hoặc là người yêu, nên chúng ta dễ cởi mở về những điều mình không thích ở họ.
Nguyên nhân 3: Chúng ta không thể chịu đựng tính xấu của người sống cùng một thời gian dài
Chúng ta không bỗng dưng ghét tính cách của bạn cùng phòng, người nhà, hay bạn thân. Thực tế là chúng ta chỉ ngừng chịu đựng những điều mà vốn ta đã không thích ở họ. Càng ở cùng nhau lâu thì khả năng chịu đựng những tính xấu của chúng ta lại càng kém.
Điều này không xảy ra với người lạ vì chúng ta không ở cùng họ đủ lâu để đến mức hết sức chịu đựng họ. Ngay cả khi họ làm phiền bạn, bạn cũng ngại nói vì bạn biết mình sẽ không phải chịu đựng họ lâu.
Làm thế nào để ngăn chặn kiểu hành vi này?
– Tách khỏi người thân khi cần: Nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian với người thân, chúng ta có thể cảm thấy sức chịu đựng của mình trước những tính xấu của người thân giảm đi. Emma nếu có giận chồng thì tớ sẽ tránh anh ấy một vài giờ để có thời gian dành riêng cho bản thân tránh cãi cọ với nhau và bình tĩnh hơn, thỉnh thoảng tớ cũng có thể chọn đi shopping, du lịch một mình hoặc cùng bạn bè để thay đổi không khí thay vì ngày nào cũng ở bên chồng con mỗi ngày.
– Cùng người thân tham gia giao lưu với những người khác: Hãy rủ người thân cùng tham gia 1 buổi tiệc gì đó cùng bạn bè, Khi có những người không thân thiết lắm bên cạnh, chúng ta sẽ thấy mình cư xử lịch sự, tử tế, khoan dung hơn, và người thân của bạn cũng sẽ như vậy. Khi đó, cả hai bạn sẽ được thấy cách hành xử tử tế của nhau.
Đọc thêm: Hà Anh tiết lộ 7 Bí mật đằng sau một hôn nhân viên mãn
Khi hiểu được lý do dẫn tới hành vi của mình sẽ giúp chúng ta kiểm soát bản thân và khoan dung với người thân hơn mỗi khi có xu hướng nổi nóng và trân trọng sự hiện diện của họ hơn.
【Bài viết】được chia sẻ bởi 【Emma Pham Kitchen】
Xin ấn thích và theo dõi tiếp