Dạo này tôi đọc được rất nhiều những bài viết nói về sự cần thiết của việc ôm ấp, bao bọc, đáp ứng mọi nhu cầu bồng bế cưng nựng của trẻ trong những năm đầu đời. Đi kèm là rất nhiều bình luận lên án việc luyện ngủ, cho con ngủ riêng, cai ti đêm… Rút cục người ta bảo rằng những bà mẹ như tôi là ích kỉ và tất cả những việc LUYỆN cho con là đi trái với đòi hỏi tự nhiên của trẻ, là chỉ nghĩ đến nhu cầu của người lớn, và là việc làm tàn nhẫn và trái tự nhiên.
𝟏. Tôi ích kỷ vì không ủ con như ủ mèo?
Các bài viết đưa ra rất nhiều so sánh với con non của các loài động vật có vú khác, để nghiễm nhiên bắt chúng ta phải chấp nhận rằng, ừ con người cũng cần phải như thế vì con khỉ con chó con mèo cũng thế kia mà. So sánh này chưa hẳn là sai, nhưng chắc chắn là không đủ. Con người chúng ta không thể nào so sánh với bất kì loài động vật nào, khi mà loài người chúng ta có sự phát triển vượt bậc về xã hội và công nghệ. Có con khỉ nào biết vắt sữa, cho con ti bình? Có con mèo nào có thể gửi con tới nhà trẻ để đi bắt chuột hay không? Con người ngoài việc duy trì nòi giống còn những nghĩa vụ khác với bản thân, với gia đình và xã hội. Chúng ta còn có những nhu cầu khác hơn là chỉ sinh tồn và sinh sản. Thế nên loài người mới phát kiến ra những sự trợ giúp từ xã hội và công nghệ để các bà mẹ được rời xa ổ một chút.
Vậy nên đừng bảo chúng ta phải như con chó con mèo, bởi về cơ bản loài người đã không còn chung nhóm với chúng từ rất lâu rồi. Nếu chúng ta không thể bắt con ngựa nuôi con theo kiểu con hổ thì thôi xin hãy dừng ngay sự so sánh vô nghĩa này lại.
𝟐. Tôi ích kỷ vì để con khóc cả tiếng đồng hồ?
Rồi người ta nói đến những đứa trẻ đáng thương ở cô nhi viện lặng thinh không một tiếng khóc, bởi chúng biết có khóc cũng chẳng được ai dỗ dành. Những đứa trẻ đó đúng là đã học cách ngừng kêu cứu bởi tất cả chúng nhận được chỉ là sự vô vọng. Thế còn con của những bà mẹ “ích kỉ” như chúng tôi thì sao? Con đói con khóc, con overtired con khóc, con tè con khóc…. Con vẫn khóc như những đứa trẻ bình thường khác. Chúng tôi vẫn xót hết ruột gan khi nghe tiếng con khóc. Chúng tôi ko hề bỏ rơi con cả ngày dài không màng quan tâm. Không làm ngơ trước tiếng khóc của con.
Bạn hoàn toàn đúng và được thấu hiểu, đồng cảm khi nói rằng “tôi không chịu được tiếng con khóc”, nhưng những người mẹ thực hiện thành công việc việc luyện ngủ như tôi, sẽ chẳng ai nói với bạn là việc nghe con khóc thật là dễ dàng cả. Chúng tôi không để con khóc cho vui tai, không bật loa thật to tiếng con khóc rồi phấn khởi đi khoe xóm làng thành tích luyện ngủ thật trendy của mình. Nó là cả một thế kỉ day dứt, bồn chồn, là tự vấn bản thân liệu có làm đúng hay ko, là tự trách mình làm một người mẹ không tốt. Đừng đánh đồng việc chúng tôi trao cho con thời gian, cho con sự nhẫn nại và tin tưởng với việc bỏ rơi con. Có nên cho rằng những bố mẹ cho con đi du học sớm là đem con bỏ chợ, để bỏ mặc con một mình vật lộn nơi đất khách quê người không? Có nên đánh đồng việc bạn ngủ với con, ôm ấp con với việc chiều con quá mức, đội con lên đầu, làm hư con hay ko? Chắc chắn là ko rồi. Vậy thì hãy ngừng việc so sánh những đứa trẻ sống theo nề nếp với những đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Bởi con chúng tôi có những người bố người mẹ rất kiên cường, cứng rắn.
Tôi đã đánh đổi vài tiếng đồng hồ day dứt với tiếng khóc của con, để có lấy những giấc ngủ sâu của cả con cả mẹ, có lấy những ngày vui vẻ đầy hồ hởi vì cả 2 được nghỉ ngơi đủ giấc, những bữa ăn no nê không lả đi vì cơn buồn ngủ ập tới.
𝟑. Tôi ích kỷ khiến não của con phát triển không bình thường?
Rối người ta còn đưa ra hình ảnh so sánh não của trẻ bình thường và trẻ bị bỏ mặc cực độ nhằm lên án việc bỏ mặc trẻ nhưng đồng thời lại gián tiếp bỉ bôi những phương pháp kỉ luật trẻ. Không ai phủ nhận rằng việc bỏ mặc trẻ em gây ra tác hại vô cùng xấu tới não bộ. Nhưng hãy tìm hiểu định nghĩa cho thật rõ ràng. “Bỏ mặc” theo Đạo luật điều trị và phòng chống lạm dụng trẻ em liên bang (CAPTA) định nghĩa là những “hành động hoặc thiếu hành động từ người lớn dẫn đến tử vong hay tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần”.
Đọc thêm: “Bà mẹ văn minh sẽ có con văn minh” là lời khen dành cho các bà mẹ có lối ứng xử đẹp đẽ này!
Tôi xin nhấn mạnh là hình chụp CT trong nghiên cứu này là não của trẻ bị bỏ mặc, sao nhãng một cách THƯỜNG XUYÊN VÀ TRONG THỜI GIAN DÀI. Thậm chí, ngay trong chính bài nghiên cứu này cũng nói rõ ràng ràng việc thỉnh thoảng không chú ý đến con, không phản ứng ngay tức thì tới nhu cầu hàng ngày của trẻ nhỏ còn có khả năng giúp trẻ học được sự khác biệt gữa bản thân và người khác, từ đó tạo tiền đề để học tính tự lập, nâng cao khả năng tự chăm sóc bản thân cũng như kĩ năng giải quyết vấn đề.
Ủa vậy tại sao chúng ta tại cắt xén hình ảnh 2 bộ não của 1 trẻ bình thường vs 1 trẻ bị “EXTREME NEGLECT” xong cắt luôn chứ extreme neglect đi, rồi bảo đấy, phải yêu thương trẻ thật nhiều vào ko thì não sẽ teo ntn này. Đánh tráo khái niệm một cách vô lương tâm!
Thử hỏi giờ tôi nói rằng tất cả các ông bố bà mẹ 8x 9x đều có những biến chứng tâm lý suốt đời do ngày nhỏ bị bố mẹ đánh thì liệu có công bằng hay ko? Thế hệ chúng ta bị ăn đòn vì không làm bài tập, nói dối, điểm kém là chuyện bình thường nhưng không phải là ngày nào cũng bị đánh, hay bị đánh dã man gây thương tích và để lại hậu quả. Không ai đánh đồng tất cả những người từng bị bố mẹ đánh là bị bạo hành. Vậy nên đừng đánh đồng những em bé phải khóc 1 tiếng đồng hồ, trong vòng 5-7 ngày là bị bỏ mặc trường kì dẫn tới chậm phát triển.
𝟒. 𝐓ô𝐢 í𝐜𝐡 𝐤𝐢̉ 𝐯ì 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 ô𝐦 𝐜𝐨𝐧 𝐜ả 𝐧𝐠ày?
Ôm con cả ngày rồi có người cơm bưng nước rót, quần áo thẳng thớm thơm tho thì chắc mẹ nào cũng làm được. Duy có điều, làm mẹ rồi nhưng tôi vẫn phải làm vợ, phải chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, có người còn phải chăm sóc con lớn, hoàn thành việc công sở. Nên nếu tôi không thể ôm con cả ngày, cũng đừng nên trách móc.
Chúng ta hay bàn luận nhiều về mỗi đứa trẻ sinh ra một khác. Nhưng hầu như chúng ta quên mất đi rằng, mỗi ông bố bà mẹ cũng một khác. Mỗi bà mẹ là một cá thể riêng, một con người, một tính cách khác biệt. Đâu phải ai cũng ưa tiểu thuyết ngôn tình, xem phim drama Hàn sướt mướt. Có người thích mạo hiểm, thích giao lưu xã hội. Có người giỏi nghệ thuật, có người giỏi khoa học. Vậy tại sao chúng ta lại nghiễm nhiên cho rằng bà mẹ nào thì cũng phải đam mê ôm ấp con? Có hàng trăm hàng ngàn cách thể hiện tình yêu với con.
Đọc thêm: Hà Anh: Tôi sẽ không bao giờ “nâng như nâng trứng” để biến con mình thành một tiểu thư kiểu Rich Kid
Tại sao cứ phải ôm con thật nhiều mới là yêu con? Vậy thì tôi cho rằng bố mẹ Việt chẳng mấy khi nói “bố/mẹ yêu con, trong khi bố mẹ tây nói I love you mỗi ngày, thì hẳn là bố mẹ Việt yêu con ít hơn bố mẹ Tây rồi? Xin đừng dùng 1 hành động để làm thước đo cho tình yêu!
𝟓. Tôi ích kỷ vì mưu cầu hạnh phúc cá nhân?
Lại có người nói rằng nếu chỉ khư khư muốn có thời gian để ngủ, để chăm sóc bản thân, sợ khó sợ khổ thì không sẵn sàng để làm mẹ, thì đừng có con nữa. Nói như vậy thật nực cười. Giống như ngày xưa đi học, chắc cứ phải đứa nào thức đêm thức hôm học bài thì mới là học sinh chăm ngoan? Có những người sáng dạ, tìm cách học hiệu quả hơn, khoa học hơn thì họ chẳng cần tốn quá nhiều công sức. Vậy mà bảo mày học mà như chơi ấy thì đừng đi học nữa hay sao?
Tôi thực sự cảm thấy không có gì sai khi mưu cầu hạnh phúc cho người mẹ kể cả khi có con. Tôi thấy nhiều người sau khi có con, con trở thành tất cả và người mẹ bắt buộc phải hi sinh mọi thứ vì con. Chồng tự dưng bị đuổi ra ngoài, mất vợ, không được tham gia vào việc chăm sóc con. Vậy mới là sai. Tôi không đồng ý rằng làm mẹ là buộc phải đầu bù tóc rối, là phải hoi mùi sữa, thiếu ngủ trầm trọng và trầm cảm sau sinh. Tôi thông cảm và thấu hiểu những người mẹ như thế, bởi đó là điều khó tránh khỏi khi cuộc sống xoay vần quanh việc chăm sóc một đứa trẻ mới sinh. Nhưng những người mẹ nào may mắn sớm tìm lại được cân bằng cuộc sống, thì hãy mừng cho họ. Đừng dìm họ xuống và kêu họ là những người mẹ ích kỉ.
𝟔. Tôi ích kỷ nhưng tôi là một bà mẹ tuyệt vời và con tôi yêu tôi hết nấc
Thôi chúng ta đừng lên án những bà mẹ ngày đêm ôm con là làm hư con nữa. Người ta ôm bởi người ta thích và người ta có điều kiện thì cứ kệ người ta đi. Còn người ta mà cảm thấy ôm con mệt mỏi quá, phiền phức quá, ắt sẽ đi tìm cách để tự giải phóng mình, sẽ gia nhập hội những bà mẹ “ích kỉ” như tôi đây để tìm cách cân bằng lại cuộc sống.
Vậy thì thôi chúng ta cũng đừng lên án những bà mẹ dạy con tự lập từ nhỏ như tôi nữa, quan trọng không phải là sớm hay muộn chúng cũng tự lập, mà chúng tôi cần chúng tự lập ngay bây giờ. Bởi vì chúng tôi đuối quá rồi, không thế bế con 2 tiếng mỗi giấc để con ngủ cho say, vừa nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ, làm việc, hút sữa, lại vừa giữ cho cái đầu khỏi phát điên.
Giống như trên máy bay, khi có sự cố xảy ra người ta luôn hướng dẫn người lớn đeo mặt nạ cho bản thân mình trước, sau đó mới đeo cho trẻ nhỏ. Không phải vì họ muốn để lũ trẻ chết ngạt, mà phải cứu lấy mình trước rồi mới cứu được người thân. Mình ngỏm trước rồi thì ai giúp con thở nữa đây?
Năm mới rồi, các bà mẹ, cứ tự tin ôm con thật nhiều khi còn có thể. Và cũng thật tự tin luyện ngủ cho con khi đã đủ kiến thức. Chẳng ai làm mẹ mà lúc nào cũng đúng, cùng làm hết được tất cả những điều tốt nhất cho con được cả. Hãy cứ nghĩ cho con, cho cả mình, cho cả gia đình mình và bỏ ngoài tai những lời khuyên nửa vời hời hợt. Nếu có làm sai đi chăng nữa thì cũng chẳng sao cả. 3 năm đầu đời quan trọng thật đấy nhưng 18 năm tiếp theo sẽ còn có nhiều cơ hội để sửa sai, để đồng hành với con. Hãy đi cùng con với tất cả yêu thương, đó mới là điều quan trọng nhất!
【Bài viết】được chia sẻ bởi【Mymyeveryday】
Xin ấn thích và theo dõi tiếp