Khi nhìn bằng mắt thường chúng ta có thể thể thấy giường ngủ của mình sạch sẽ. Nhưng thực tế, chiếc giường ấy có thể đang chứa rất nhiều mầm bệnh.
Vi khuẩn
Giường ngủ của chúng ta có thể là nơi cư ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện một trong những loại vi khuẩn xuất hiện nhiều nhất trên giường ngủ là vi khuẩn Staphylococcus, theo The Conversation.
Thông thường, vi khuẩn Staphylococcus là vô hại. Tuy nhiên, một số chủng vi khuẩn này có thể gây bệnh. Ví dụ điển hình nhất là chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Nếu chúng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở thì có thể gây nhiễm trùng da, xâm nhập vào đường hô hấp có thể gây viêm phổi. Nếu tiếp xúc với mụn trứng cá, vi khuẩn sẽ khiến mụn sưng tấy hơn. May mắn là một số loại thuốc kháng sinh có thể điều trị hiệu quả vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Một loại vi khuẩn khác cũng thường xuất hiện trên giường ngủ, ga giường đó là vi khuẩn E. coli. Chúng có thể gây tiêu chảy và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bọ ve
Mỗi ngày chúng ta có nhiều tế bào da chết, các tế bào này là thức ăn cho những con bọ ve siêu nhỏ. Bọ ve và phân của chúng có thể gây dị ứng, thậm chí hen suyễn.
Một sinh vật khác cũng rất phiền phức thường cư trú trên giường ngủ là rệp. Vết cắn của rệp gây ngứa đỏ, dị ứng, từ đó khiến chúng ta dễ bị mất ngủ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
|
Nấm mốc
Nấm mốc có thể phát triển nhiều trên giường ngủ mà chúng ta không hay biết. Có loại nấm vô hai nhưng cũng có loại gây bệnh. Một trong những loại có thể gây bệnh thường gặp nhất là nấm Candida albicans.
Chúng có thể gây bệnh nấm miệng, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men ở bộ phận sinh dục. Nấm Candida albicans có thể tồn tại trên vải suốt 1 tháng.
Virus
Một tác nhân gây bệnh khác có thể sinh sôi trên giường ngủ là virus. Virus cúm có thể tồn tại trên vải hay khăn giấy từ 8 -12 giờ. Do đó, giường ngủ có thể trở thành nơi trung gian lây cúm giữa các thành viên trong gia đình.
Để ngăn mầm bệnh phát triển và lây lan, vệ sinh giường ngủ đúng cách và thường xuyên là rất quan trọng. Với ga trải giường, việc phải làm mỗi sáng là mang ga ra phơi nắng. Cách này có thể giúp ga ẩm do mồ hôi được khô thoáng. Các chuyên gia khuyến cáo nên giặt ga và áo gối 1 lần/tuần, nếu quá bận rộn thì có thể 2 tuần giặt 1 lần.
Nệm rất khó giặt nên cách tốt là hãy dùng vải bọc nệm. Tần suất giặt nên là 1 đến 2 tuần mỗi lần. Ngoài ra, mỗi tháng, chúng ta nên dùng máy hút bụi để hút bụi trên nệm và giường, như vậy sẽ giúp giảm bụi và các tác nhân gây dị ứng.
Theo The Conversation.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp