Sau lần “ăn bánh, trả tiền”, nam thanh niên lo lắng vì căn bệnh giang mai đến mức không dám gần gũi người yêu hay đi hiến máu.
Bệnh nhân nam, 29 tuổi, chưa có gia đình đến thăm khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng chán nản và lo lắng.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho hay, cách đây một năm, bệnh nhân có quan hệ với gái dịch vụ, sau đó bị bệnh giang mai.
Bệnh nhân đã điều trị hết triệu chứng lâm sàng. Cách đây 3 tháng, bệnh nhân muốn đi kiểm tra lại xem còn bị bệnh không tại một phòng khám tư nhân. Kết quả xét nghiệm TPHA (một xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán bệnh giang mai) chỉ ra bệnh nhân vẫn còn “dương tính” mặc dù trên lâm sàng không hề có triệu chứng gì. Sau đó, các bác sĩ đã điều trị một đợt thuốc kháng sinh liều cao cho bệnh nhân.
Nam thanh niên mất ăn, mất ngủ lo bệnh xã hội sau lần “ăn bánh, trả tiền” (Ảnh minh họa).
Cách đây một tháng, bệnh nhân dù không có triệu chứng nhưng vẫn thử đi xét nghiệm lại TPHA tại một phòng khám khác ở Hà Nội, kết quả vẫn là “dương tính”, và lại được điều trị một đợt kháng sinh liều cao.
Lần này, bệnh nhân quyết định đi khám một lần nữa xem mình đã khỏi hẳn chưa. Bệnh nhân cho hay, bản thân lo lắng đến nỗi nhiều tháng nay không dám gần gũi người yêu, không dám hiến máu tình nguyện, và thậm chí là nỗi sợ hãi bị vô sinh. Tất cả nỗi niềm về bệnh tật đều giãi bày với bác sĩ và mong muốn chữa trị dứt điểm về bệnh.
Theo BS Hạ Hồng Cường, Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau khi khám lâm sàng cho bệnh nhân không thấy có tổn thương bất thường nào nghi giang mai tái phát hay biến chứng.
BS Cường chỉ định 2 xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh nhân, kết quả là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao, nhưng xét nghiệm RPR thì âm tính.
“Khi chúng tôi giải thích là bệnh nhân đã khỏi bệnh, thì bệnh nhân rất thắc mắc vì rõ ràng là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao như ở 2 phòng khám trước đã làm, mà tại sao bác sĩ lại nói khỏi bệnh?”, BS Cường cho hay.
Giải đáp cho vấn đề này, theo BS Cường, bệnh giang mai do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai là một kháng nguyên, nó sẽ kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch sinh ra “kháng thể” chống lại nó.
Xét nghiệm TPHA giúp chúng ta phát hiện ra các kháng thể này. Khi đã điều trị hết vi khuẩn, các kháng thể này sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta lâu dài, vậy nên xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao hơn bình thường trong một thời gian dài là điều dễ hiểu .
Còn xét nghiệm RPR là xét nghiệm tìm “kháng thể không đặc hiệu” của xoắn khuẩn giang mai trong cơ thể. RPR có thể tăng cao trong giai đầu xoắn khuẩn giang mai mới xâm nhập vào cơ thể, và ngược lại.
“Với bệnh nhân trên, xét nghiệm TPHA tăng cao, RPR lại âm tính, phiên giải ra có nghĩa là bệnh nhân đã từng bị giang mai nhưng hiện tại không mắc. Bệnh nhân không cần điều trị”, BS Cường nói.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp