Các hoạt động giúp rèn luyện trí não và kích thích trẻ tư duy

Rèn luyện trí não và kích thích trẻ tư duy ngay từ khi còn nhỏ đang là bài toán nan giải của các mẹ. Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc về các loại tư duy của trẻ và làm thế nào để rèn luyện trí não và kích thích tư duy cho trẻ.

1. Các loại tư duy của trẻ

Rèn luyện trí não và kích thích trẻ tư duy, đầu tiên, phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các loại tư duy. Từ đó, phụ huynh có những phương pháp rèn luyện đúng, giúp trẻ phát triển trí não một cách tốt nhất.

Rèn luyện, kích thích trẻ tư duy ngay từ nhỏ

Rèn luyện, kích thích trẻ tư duy ngay từ nhỏ

Tư duy trực quan hành động và hình tượng

Các hoạt động về trực quan hành động đóng một vai trò không nhỏ trong việc kích thích và phát triển tư duy của trẻ em. Tư duy trực quan hành động xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi. Ở giai đoạn này, bé đã có khả năng quan sát và đặc biệt là trẻ rất thích bắt chước, làm theo những hoạt động diễn ra xung quanh trẻ. Đây có thể xem như là tư duy nền tảng để não thiết lập các hình ảnh, hình tượng và từ đó tạo ra các mối liên hệ, gọi là tư duy trực quan hình tượng. Loại tư duy này xuất hiện ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi.

Tư duy sáng tạo

Như chúng ta đã biết, sáng tạo chính là tìm ra những điều mới lạ từ những cái sẵn có hoặc chưa có. Và đây cũng là một loại tư duy – tư duy sáng tạo. Để rèn luyện tư duy này, ngay từ nhỏ, phụ huynh cần phải tạo điều kiện để trẻ có cơ hội được suy nghĩ, được sáng tạo bằng cách cho trẻ xem tranh, tập vẽ, nặn đất sét, …

Vẽ tranh giúp kích thích tư duy sáng tạo của trẻ

Vẽ tranh giúp kích thích tư duy sáng tạo của trẻ

Tư duy logic

Tư duy logic là khả năng suy nghĩ, xâu chuỗi các vấn đề và giải quyết chúng một cách tốt nhất. Từ nhỏ, các mẹ có thể rèn luyện tư duy này cho các con bằng các trò chơi như câu đố, ghép hình, lắp ghép,…

Tư duy phản biện (tư duy phân tích)

Tư duy phản biện là khả năng phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề theo ý kiến của bản thân và từ đó đưa ra những ý kiến, lập luận khách quan và đúng đắn hơn nhằm bác bỏ các ý tưởng mang tính chủ quan. Tư duy này giúp trẻ không bị phụ thuộc, có chính kiến của riêng mình. Phụ huynh rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ bằng cách lắng nghe, nói chuyện nhiều và hỏi ý kiến của bé. Ví dụ, sau khi kể cho bé nghe một câu chuyện, các mẹ nên đặt câu hỏi cho bé.

Tư duy trừu tượng

Tư duy trừu tượng của trẻ, hiểu đơn giản là sự hình dung, tưởng tượng dựa trên những điều mà trẻ nhìn thấy và ghi nhớ. Ví dụ như khi trẻ xem những bức tranh về hươu cao cổ, trẻ nhìn thấy và ghi nhớ rằng con hươu cao cổ thì cao lớn và có một cái cổ dài. Từ đó, khi người thân trong gia đình hỏi trẻ “con hươu cao cổ trông như thế nào?”, bé sẽ nhớ lại và trả lời “con hươu cao cổ cao lớn và có cổ rất dài”

2. Đặc điểm tư duy của trẻ 

Đặc điểm tư duy của trẻ có sự khác nhau ở từng nhóm độ tuổi. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp rèn luyện, kích thích trẻ tư duy cần phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Đối với trẻ từ 15 – 36 tháng

Ở độ tuổi này, trẻ xuất hiện tư duy trực quan hành động theo cách ngẫu nhiên. Qua nhiều lần quan sát, làm theo các hoạt động, trẻ có thể biết cách tạo ra mối liên hệ giữa các sự vật, sự việc. Ví dụ: khi bé thấy mẹ mở máy quạt bằng cách nhấn các nút trên máy quạt, bé cũng làm theo, bé thử nhấn đi nhấn lại các nút trên máy quạt, khi thì quạt tắt khi thì quạt mở, khi quạt chạy nhanh, chạy chậm. Nhờ vậy mà bé đã biết được cách xác lập mối quan hệ giữa các nút của máy quạt, bấm nút nào thì quạt tắt, nút nào thì quạt mở, nút nào thì quạt chạy nhanh hoặc chạy chậm. Vì vậy, bố mẹ và giáo viên hướng dẫn có vai trò rất quan trọng trong việc giúp bé phát triển tư duy.

Khi trẻ bước đến giai đoạn này, phụ huynh đã có thể cho trẻ tiếp xúc và làm quen với các đồ chơi, tranh ảnh đơn giản hay các sự vật xung quanh (trái cây, củ quả). Như vậy, trẻ có thể quan sát, so sánh, hình dung và nhận biết các đặc điểm của mỗi sự vật. Và dựa trên những điều trẻ đã biết, gia đình có thể tổ chức các trò chơi nhỏ và tương tác cùng trẻ.

Đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Trẻ chuyển từ tư duy trực quan hành động sang tư duy trực quan hình tượng. Qua thời gian dài quan sát và tiếp xúc với các đồ vật, trẻ dần hình thành những hình ảnh và ghi nhớ chúng. Muốn trẻ sử dụng thành thạo các dữ liệu đã nhớ thì các mẹ cần tạo ra nhiều hoạt động cho trẻ. Ví dụ: khi trẻ chơi ghép hình, muốn ghép đúng, trẻ phải qua nhiều lần thử và sai rồi mới thực hiện được.

Hãy để bé lựa chọn ghép những bức tranh bé yêu thích

Hãy để bé lựa chọn ghép những bức tranh bé yêu thích

Đến cuối tuổi (5 – 6 tuổi), tư duy trực quan hình tượng phát triển hơn bởi vì bé đã tích lũy nhiều hình ảnh và kinh nghiệm. Thế nên bé có khả năng sử dụng những gì mình ghi nhớ một cách dễ dàng.

3. Các hoạt động rèn luyện trí não và kích thích trẻ tư duy cho trẻ

Dưới đây là những hoạt động, trò chơi giúp rèn luyện trí não, kích thích tư duy mà các mẹ nên vận dụng:

  • Phân biệt các đồ vật: Phụ huynh cung cấp thông tin cho trẻ trước bằng cách vừa cho trẻ xem tranh ảnh của các đồ vật, con vật, các loại rau quả vừa miêu tả chúng rồi mới cho trẻ đoán tên và nhắc lại các đặc điểm của các đồ vật đó.

Mô tả đặc điểm các loại trái cây trước khi đặt câu hỏi cho trẻ

Mô tả đặc điểm các loại trái cây trước khi đặt câu hỏi cho trẻ

  • Xếp hình tháp, lâu đài: Khi chơi trò chơi này, trẻ rèn luyện tư duy logic trong việc sắp xếp các hình khối với kích thước, màu sắc khác nhau để tạo nên một lâu đài. Ngoài ra, các mẹ hãy hỏi các con câu chuyện của những nhân vật sẽ sống trong lâu đài này với mục đích kích thích tư duy sáng tạo cho trẻ. Khi lắng nghe con kể chuyện, các mẹ lưu ý không nên đáng giá đúng sai, thay vào đó cần đặt ra những câu hỏi “vì sao?”.

  • Ghép hình: Lựa chọn những bức tranh bé thích hoặc tranh về những con vật, sự vật xung quanh. Trò chơi này tạo điều kiện cho trẻ phân tích, đánh giá các mảnh ghép để ghép đúng.

  • Đếm bậc thang: Kết hợp giữa việc vừa leo thang vừa đếm số, giúp trẻ nhớ số một cách nhanh chóng ngay từ nhỏ.

  Theo medlatec.vn

Xin ấn thích và theo dõi tiếp