Vì sao ăn chocolate vào ngày Valentine

Người thổ dân châu Mỹ bắt đầu ăn, uống cacao từ hàng nghìn năm trước trong các đám cưới bởi chúng biểu thị tình yêu vĩnh cửu.

Ngày lễ tình nhân Valentine chắc chắn không thể thiếu chocolate. Món ăn mang tính biểu tượng này mang hương vị vừa ngọt, vừa đắng, được ví như các cung bậc tình yêu đôi lứa. Trong ngày này, người ta thường tặng nhau những hộp chocolate thiết kế đẹp để thay lời muốn nói. Nhiều cô nàng khéo tay còn đích thân vào bếp làm cho người mình yêu những viên chocolate nhỏ xinh và mang nhiều ý nghĩa.

Vì sao ăn chocolate vào ngày Valentine - Ảnh 1.

Chocolate gắn liền với tình yêu đôi lứa không phải chỉ là một trào lưu nhất thời mà đã có lịch sử hàng nghìn năm. Có một sự thật khiến nhiều người bất ngờ, đó là những đôi uyên ương đã bắt đầu ăn chocolate từ trước khi ngày lễ Valentine đầu tiên được ấn định vào ngày 14/2/496 sau công nguyên. Không ít người cũng cho rằng chocolate rất phổ biến ở phương Tây nên có thể xuất xứ từ châu Âu. Nhưng trên thực tế, chocolate lại bắt nguồn từ người Aztec – một bộ phận của người thổ dân Maya ở Trung Mỹ.

Hàng nghìn năm trước, họ là những người đầu tiên sử dụng hạt cacao – nguyên liệu chính của món chocolate – trong các đám cưới. Khoảng những năm 500 trước công nguyên, nghi lễ đám cưới của người Maya không thể thiếu món chocolate nóng, nấu từ hạt cacao. Cô dâu – chú rể sẽ uống giao bôi trước mặt mọi người, như một lời khẳng định đã nên vợ nên chồng và tình yêu của họ sẽ trường tồn mãi mãi.

Người Aztec còn có quan niệm khác về món đồ uống làm từ hạt cacao này. Theo truyền thuyết hoàng đế Montezuma II đã dùng cacao để tăng sức mạnh “phòng the” cho bản thân. Trên thực tế, trong caccao đúng là chứa một lượng nhỏ tryptophan và phenylethylamine, hai hóa chất liên quan đến cảm giác tình yêu và ham muốn tình dục. Những nhà khoa học ngày nay khẳng định, lượng này chưa đủ để cải thiện sức khỏe tình dục một cách rõ rệt nhưng đúng là có tác dụng ít nhiều.

Sự kiện khiến chocolate bắt đầu phổ biến nhiều hơn vào ngày lễ tình nhân bắt đầu từ năm 1861 khi hãng chocolate nổi tiếng của Anh Cadbury cho ra mắt một hộp chocolate hình trái tim. Ngay sau đó, nó đã tạo nên cơn sốt trên khắp châu Âu. Vào thời điểm đó, Cadbury đã không đăng ký bằng sáng chế cho sáng kiến thú vị của mình nên toàn bộ ngành sản xuất chocolate đã nhanh chóng bắt chước. Dần dần, chocolate trở thành món quà không thể thiếu trong ngày lễ tình nhân trên khắp thế giới.

Vì sao ăn chocolate vào ngày Valentine - Ảnh 2.

“Combo” quà tặng Valentine kinh điển luôn không thể thiếu hoa hồng – biểu tượng cho tình yêu – và một hộp chocolate hình trái tim. Ngay cả ở những quốc gia châu Á, nơi có văn hóa ẩm thực truyền thống rất mạnh mẽ, việc làm và tặng nhau chocolate cũng trở nên rất phổ biến.

Ở Nhật, người phụ nữ đang yêu thường đích thân làm chocolate tặng cho người thương vào ngày 14/2 để biểu lộ tấm lòng của mình. Ngày Valentine trắng 14/3 mới tới phiên người đàn ông tặng lại chocolate cho cô gái của mình. Xứ sở hoa anh đào nổi tiếng với loại nama chocolate mềm mượt, hương vị êm mái, ngọt ngào đến lịm tim.

Chocolate ngày nay được cải tiến với nhiều hương vị khác nhau, phổ biến nhất là cho thêm sữa, rượu, siro… nhưng vị truyền thống vẫn được ưu ái nhất. Có nhiều mức độ khác nhau dành cho khẩu vị từng từng người, từ mức độ vài % chocolate cho tới mức độ cao nhất.

Nếm một miếng chocolate, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ hương vị từ đắng sang ngọt, lại hơi có chút chua chua tựa vị gia vị tình yêu lúc ngọt ngào, khi sóng gió. Miếng chocolate thường được làm nhỏ để mỗi khi ăn xong, người ta luôn có cảm giác thòm thèm, thiêu thiếu, giống như cảm giác nhung nhớ trong tình yêu. Ngoài ra, chocolate còn được chứng minh có tác dụng với hệ thần kinh, giúp giảm stress, an thần và tốt cho hệ tim mạch.

Theo Ngôi sao

Xin ấn thích và theo dõi tiếp