Ăn nhiều và đa dạng các loại rau sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như bệnh tim, huyết áp cao và một số loại ung thư nhất định. Chất xơ từ rau có thể giúp làm giảm mức cholesterol và tăng acid folic trong máu.
Ai cũng biết, rau quả có vai trò quan trọng cung cấp lượng vitamin dồi dào cùng các khoáng chất giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, hỗ trợ chuyển hóa… Tuy nhiên, theo thống kê thì hiện này người Việt có thói quen ăn nhiều thịt, ít rau nên dẫn đến những hệ lụy.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp 25-30g chất xơ, tương đương khoảng 300g rau và 200g trái cây. Như vậy mỗi bữa ăn chính, bạn phải ăn 100g rau – tức 1 chén đầy (không chứa nước) rau hay bầu, bí, dưa leo, cà chua… Với trái cây cũng phải ăn cả vỏ, cả múi, cả thịt trái thì mới có chất xơ, chứ không chỉ uống nước ép là đủ.
Bạn có thể bị thiếu vitamin và khoáng chất
Ăn quá ít rau có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học trung tâm khoa học y tế Texas cho biết, việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu. Mặc dù bạn có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác, nhưng rau chứa hàm lượng cao và do đó là nguồn tuyệt vời của các chất dinh dưỡng và chất khoáng.
Mắc bệnh về đường tiêu hóa
Nếu không có rau, bạn sẽ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như táo bón, trĩ và bệnh túi thừa. Lý giải cho vấn đề này là do rau quả có chứa xenluloza, giúp làm tăng trọng lượng phân, giảm tốc độ di chuyển và giảm thời gian vận chuyển. Ngoài ra, chúng còn chứa chất xơ giúp giảm bớt hoặc ngăn ngừa táo bón, kích thích các cơ đường tiêu hóa để chúng giữ được sức mạnh, giảm nguy cơ hình thành ra các túi phình (bệnh túi thừa) và giảm áp lực lên đường ruột ở phía dưới, làm cho tĩnh mạch ở trực tràng ít bị phồng lên (gây ra bệnh trĩ).
Nguy cơ ung thư tăng lên
Không có một loại thực phẩm nào có thể bảo vệ bạn chống lại bệnh ung thư, nhưng chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Carotenoids là các sắc tố chứa beta-carotene có trong rau bina, các loại rau lá xanh đậm khác, trái cây màu cam đậm, khoai lang, bí và cà rốt, có thể bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và có liên quan đến việc giảm tỷ lệ ung thư. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều chất béo có liên quan đến ung thư. Vì vậy thay vì ăn những thực phẩm không lành mạnh đó bằng một chế độ ăn nhiều rau tươi và hoa quả sẽ giúp bạn và gia đình làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nguy cơ tăng cân
Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, những người trưởng thành ở Hoa Kỳ có thừa cân và béo phì ăn ít trái cây và rau hơn so với các nhóm có trọng lượng bình thường. Thông thường, chế độ ăn uống chứa thực phẩm có mật độ năng lượng cao, nghĩa là nhiều calo hơn mỗi gam sẽ dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân. Do đó, một người có thể ăn nhiều hơn và cảm thấy hài lòng hơn với trái cây và rau có hàm lượng calo thấp và mật độ năng lượng thấp.
Tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu như vậy từ Đại học Tulane cho thấy, tiêu thụ rau lá xanh và trái cây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường và không ăn trái cây và rau có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Đối với bệnh nhân tiểu đường, tiêu thụ các loại carbohydrate như bánh mì, gạo, mì ống và thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Thay thế những thực phẩm này bằng các loại rau có hàm lượng carbohydrate thấp như rau lá xanh đậm, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà chua, cà tím và cả trái cây có thể giúp điều chỉnh lượng đường.
Tăng huyết áp
Chế độ ăn giàu natri, ít trái cây và rau quả sẽ góp phần làm tăng huyết áp. Nghiên cứu về “Chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa tăng huyết áp” đã chứng minh rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau có thể làm giảm huyết áp, kể cả những người đã bị tăng huyết áp, chế độ ăn này làm giảm huyết áp của họ nhiều như dùng thuốc. Thực hiện một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có giàu chất dinh dưỡng như kali, canxi và magiê và ít natri, giúp làm giảm natri trong chế dinh dưỡng, do đó làm giảm huyết áp.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một phần vì tác dụng hạ huyết áp, nên ăn nhiều rau quả có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nghiên cứu lớn về sức khỏe của các điều dưỡng và các chuyên gia y tế có trụ sở tại Harvard đã chỉ ra rằng, so với những người ăn ít hơn 1,5 phần trái cây và rau mỗi ngày, những người ăn 8 phần hoặc nhiều hơn trên một ngày ít có nguy cơ mắc đau tim hoặc đột quỵ hơn 30%.
Tăng nguy cơ mắc trầm cảm
Một nghiên cứu lớn ở Tây Ban Nha gần đây đã tiết lộ rằng những người có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có tỷ lệ phát triển trầm cảm thấp hơn. Mặc dù nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tại sao trái cây và rau có thể có tác dụng bảo vệ sức khỏe tâm thần này, nhưng có thể là thiếu hụt các chất dinh dưỡng như axit pantothenic và vitamin B6 có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm ở những người không ăn đủ rau và trái cây.
Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
Xin ấn thích và theo dõi tiếp