Dù đã được cảnh báo về hậu quả của việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp họa do thói quen dùng “vô tội vạ” loại thuốc này.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 34 tuổi bị tắc mạch phổi do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Theo đó, bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở. Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel (một loại thuốc tránh thai khẩn cấp) 10 năm nay, thường uống 12-15 viên Levonorgestrel/tháng.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm cấp cứu, siêu âm tim có hình ảnh giãn buồng tim phải, hở nặng van 3 lá, tăng áp lực động mạch phổi, hướng chẩn đoán tới bệnh thuyên tắc động mạch phổi cấp.
Khi được chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang, kết quả hình ảnh huyết khối động mạch phổi 2 bên, chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính/lạm dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel.
Ảnh minh họa
Điều đáng nói, dù đã được cảnh báo về hậu quả của việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp họa do thói quen dùng “vô tội vạ” loại thuốc này.
Nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và nhiều hệ lụy
Các bác sĩ sản khoa cho biết, thuốc tránh thai khẩn cấp có thành phần tương tự như thuốc tránh thai hàng ngày nhưng liều lượng cao gấp 4 lần. Nó có tác dụng ức chế sự rụng trứng và ức chế trứng bám vào niêm mạc tử cung nên ngăn chặn quá trình thụ thai. Tuy nhiên thuốc thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả khoảng 75% và nó sẽ giảm đi nếu dùng nhiều lần.
Trên thực tế, thuốc tránh thai khẩn cấp được khuyến cáo dùng theo đúng nghĩa đen là trong các trường hợp “khẩn cấp” cho những chị em chưa muốn có con nhưng quan hệ tình dục không an toàn, không dùng các biện pháp tránh thai khác như bao cao su, vòng tránh thai, quên uống thuốc tránh thai hàng ngày…
Thuốc này không được khuyến cáo lạm dụng thường xuyên vì hiệu quả tránh thai thấp, tiềm ẩn rủi ro mang thai ngoài ý muốn.
ThS.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, uống thuốc tránh thai khẩn cấp không tránh thai được 100%. Việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn mang bầu không có gì là lạ. Các bác sĩ gặp thường xuyên.
Bên cạnh đó, thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với người dùng. Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), đến nay chưa có kết luận chính thức nào về việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây vô sinh nhưng nếu dùng thuốc quá nhiều sẽ hạn chế sự phát triển và rụng trứng. Khi ngừng thuốc thì buồng trứng cần một khoảng thời gian tương đối dài để hồi phục.
Bên cạnh đó, dùng nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp còn gây ra một số tác dụng phụ như: Làm thay đổi, biến động chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ như (chậm kinh, không có kinh, rong kinh)…; suy giảm ham muốn tình dục.
Mặt khác, khi dùng thuốc quá nhiều, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi dẫn đến nội tiết tố da cũng thay đổi. Sau khi dùng thuốc phụ nữ có thể xuất hiện nhiều mụn, nám, tàn nhang, ửng đỏ, sạm da… Người dùng cũng có thể gặp các biểu hiện như: Ăn không ngon, buồn nôn, mệt mỏi, đau tức ngực.
Đặc biệt, người có thói quen lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp dễ mắc các bệnh về gan, thận, tim mạch, ung thư cơ quan sinh sản… Hơn nữa, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ sử dụng nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy cơ chửa ngoài tử cung lớn hơn những phụ nữ không thường sử dụng.
“Chỉ nên coi thuốc tránh thai khẩn cấp như một biện pháp cuối cùng khi định tránh thai“, BS Kim Dung nhấn mạnh.
Những ai không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp?
Bác sĩ khuyến cáo, người béo phì, mắc bệnh tim mạch, có tiền sử tắc mạch, rối loạn mỡ máu không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Ảnh minh họa
Theo ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, uống thuốc tránh thai là một phương pháp ngừa thai rất hiệu quả và cơ bản không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, do có nguy cơ gây tăng đông, tắc mạch nên có chỉ định chặt chẽ đối với một số nhóm người không được dùng.
Chẳng hạn, với những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, tắc mạch; hay bị chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân; người béo phì, có lối sống ít vận động; người bị rối loạn mỡ máu hoặc hút nhiều thuốc lá được khuyến cáo không được dùng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp.
Hơn nữa, do hàm lượng thuốc tránh thai khẩn cấp cao gấp 4 lần so với thuốc tránh thai hằng ngày, nên chỉ dùng thuốc này cho người khỏe mạnh và không sử dụng quá 2 lần/tháng.
Trong trường hợp phải dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, cần uống càng sớm càng tốt sau quan hệ tình dục. Nếu tiếp tục phát sinh quan hệ sau khi uống thuốc 72-120 giờ, các cặp đôi cần có biện pháp tránh thai khác (dùng bao cao su) để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Một số biện pháp tránh thai hiện đại an toàn, đem lại hiệu quả cao
Bao cao su: Dùng bao cao su được coi là một biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả không chỉ giúp phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn (trên 95%) mà còn ngăn chặn được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Viên uống tránh thai hàng ngày: Đây là biện pháp tránh thai khá phổ biến và đem lại hiệu quả cao, ít tác dụng phụ (ngoại trừ một số trường hợp bị buồn nôn, tăng cân, rong kinh…). Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này, chị em phải uống thuốc hàng ngày vào một giờ nhất định, nếu quên sẽ làm cho việc tránh thai thất bại.
Dụng cụ tử cung (vòng tránh thai): Vòng tránh thai có nhiều loại, phổ biến hiện nay là vòng chữ T và hình cánh cung. Đây là một trong những biện pháp tránh thai được đánh giá an toàn, đạt hiệu quả cao (trên 90%).
Que cấy tránh thai: Đây là một biện pháp tránh thai lâu dài. Que sẽ được bác sĩ cấy vào dưới da vùng cánh tay. Khi có kế hoạch sinh tiếp, chị em đến cơ sở y tế chuyên khoa để gỡ que ra khỏi cơ thể là có thể mang thai bình thường.
Thuốc tiêm tránh thai: Thuốc tiêm là một biện pháp tránh thai được sử dụng dưới hình thức tiêm hormone proestin. Khi được sử dụng chính xác, đây là một phương pháp ngừa thai hiệu quả cao với ít hơn 1% phụ nữ có thai ngoài ý muốn. Lợi ích của việc ngừa thai bằng thuốc tiêm bao gồm an toàn và tiện lợi, phòng ngừa ung thư tử cung, an toàn khi cho con bú và thiếu estrogen.
Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi áp dụng một biện pháp tránh thai cụ thể, chị em nên đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để khám sức khỏe và được tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, công việc và hoàn cảnh gia đình, đảm bảo đem lại hiệu quả tránh thai tốt nhất.
Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
Xin ấn thích và theo dõi tiếp