Sau 2 tháng đầu tiên tập thích nghi với môi trường mới, khi bước sang tháng thứ 3, bé yêu đã ổn định hơn nhiều và bắt đầu phát triển “tăng tốc”. Đây là một dấu mốc cực kì quan trọng mà bố mẹ cần lưu ý để không làm cản trở hay trì hoãn “đà” phát triển của bé yêu. Mẹ hãy cùng tìm hiểu trong tháng này bé sẽ phát triển như thế nào và mẹ cần chuẩn bị thêm những kiến thức gì nhé!
1. Tháng này, bé có gì thay đổi?
*/ Cân nặng và chiều cao:
Trước khi tìm hiểu chi tiết trẻ 3 tháng tuổi biết làm những gì, việc nắm bắt cân nặng của bé là một trong những điều đầu tiên mẹ cần quan tâm.
Theo như nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định: “Trẻ sơ sinh ở giai đoạn tháng thứ 3 có cân nặng dao động khoảng tầm 5.2 kg đến 6.6 kg đối với bé gái và 5.7 kg đến 7.2 kg đối với bé trai là đạt tiêu chuẩn”.
Về chiều dài, ở tháng này, bé sẽ phát triển rõ rệt hơn 2 tháng trước. Cơ thể sẽ trông phổng phao và nhỉnh hơn chút xíu. Mẹ chắc không thể mặc cho bé những bộ quần áo sơ sinh bé tin hin nữa. Lúc này là lúc mẹ có thể tận dụng những bộ đồ đã mua hoặc nhận lại từ những anh chị đi trước. Hãy tận dụng kẻo sau này hối tiếc khi bé đã…”lớn” quá nhanh mà chưa kịp mặc chúng nhé!
*/ Thói quen sinh hoạt:
Khi tròn 3 tháng, bé yêu sẽ ngày càng bú sữa giỏi hơn. Khả năng hiểu và lí giải các hành động của bé như khóc lóc, cau có v.v của mẹ cũng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Tiếng bé khóc khi đói sẽ khác với tiếng khóc khi bé mệt và cũng sẽ khác với tiếng khóc khi bé cảm thấy chán, muốn chơi hay nhớ mẹ.
Nếu bé vẫn bú sữa mẹ, mẹ sẽ vẫn luôn phải sẵn sàng cho bé bú suốt ngày, nhưng rất nhiều bé 3 tháng tuổi bắt đầu ngủ lâu hơn trong đêm. Những bé bú bình thì thường sớm bắt đầu ngủ đêm dài hơn so với các bé bú mẹ.
Bắt đầu từ giai đoạn này, thời gian ngủ của bé không nhiều như những tháng đầu đời nhưng ngược lại thời gianngủ vào ban đêm sẽ nhiều hơn, do đó bố mẹ có thể an tâm ngủ thẳng giấc, bù lại những đêm thao thức chăm sóc cho bé vào những tháng trước đó. Từ 3 – 4 tháng tuổi, thời gian ngủ của bé sẽ có xu hướng thay đổi khác hơn 1, 2 tháng đầu đời. Một số bé ở độ tuổi này có thể ngủ cả 1 đêm, mặc dù bé vẫn giật mình thức dậy và đòi ăn đêm.
*/ Bé biết làm những gì ở tháng thứ ba?
– Bé đã biết ngẩng đầu và trở nên cứng cáp hơn trong những cú cuộn hoặc lăn người khiến gia đình vô cùng thích thú. Nếu bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giấc ngủ đầy đủ, thì ở tháng này, mẹ có thể thấy bé ngẩng đầu nhìn mẹ khi đang nằm. Hành động này có thể kéo dài trong vài phút, thậm chí hơn nữa nếu có sự trợ giúp của bố mẹ đấy.
– Nếu mẹ đặt bé nằm sấp, mẹ sẽ giật mình vì bỗng 1 ngày bé có thể trở mình hoặc lăn người một cách đầy ngẫu nhiên – hoàn toàn không báo trước. Do ở thời điểm này, hông, đầu gối, khuỷu tay và khớp của bé đã phát triển mạnh mẽ và trở nên linh động hơn. Vì vậy, từ tháng này trở đi, mẹ hãy luôn để mắt tới bé yêu nhé. Đặc biệt là khi vừa ăn no xong, việc lật người có thể làm bé nôn trớ mà “lỗ vốn” hết cả công sức của mẹ đó.
– Ở những tháng trước, bé đã luôn có tín hiệu tương tác khi được nghe bố mẹ nói chuyện, thì từ tháng này, việc “hóng hớt” này càng trở nên mãnh liệt hơn. Những tiếng cười đùa của bố mẹ, như là sự thích thú bất tận với bé, khiến cho những tràng cười giòn tan không dứt, hoặc những tiếng ê a đáp trả như là những người “trưởng thành” đang “đàm đạo” với nhau thật vậy. Bố mẹ hẳn sẽ rất vui khi cảm thấy bé yêu như hiểu từng lời của mình, và đối đáp một cách đầy tự nhiên.
– Ở tháng này, các bộ phận chịu sự chi phối và điều khiển của não cũng phát triển dần dần, cho phép trẻ nhận biết về sự vật thông qua thị giác, khứu giác, ngôn ngữ. Thùy thái dương cũng hoạt động nhiều hơn, do đó khi trẻ nghe thấy giọng nói quen thuộc của bố mẹ, các bộ phận của não sẽ bắt đầu hoạt động dẫn đến phản xạ trẻ sẽ nhìn về hướng phát ra âm thanh quen thuộc đó.
2. Một vài lời khuyên cho mẹ
– Ở tháng này, khi bố mẹ đã bắt đầu vào guồng quay của việc có con nhỏ, stress có vẻ ít xảy ra hơn, và nhu cầu gần gũi cũng trở nên tăng lên. Bố mẹ hãy chú ý đến các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình nhé.
– Ngoài ra, mẹ cũng sẽ đối mặt với những lời khuyên không mong đợi từ ông bà, bố mẹ, hay thậm chí là…hàng xóm. Cách đối phó duy nhất là mẹ phải tự thỏa thuận với bản thân. Đừng để những lời nói dao kiếm làm mình tổn thương và stress hơn. Hãy tin vào khả năng làm mẹ của mình, tin vào những mối giao cảm đặc biệt giữa mẹ và bé, để lắng nghe và làm những điều mẹ nghĩ là tốt nhất cho con mình.
Chúc bé ngoan, mẹ khỏe và cả gia đình cùng nhau khám phá thế giới muôn màu nhé!
Đọc thêm: Sự phát triển của trẻ sơ sinh qua từng tháng: Trẻ 4 tháng tuổi!
Xin ấn thích và theo dõi tiếp