“Có sao đâu!”- Những quan niệm sai lầm khi chăm con này bạn có từng phạm phải?

Những quan niệm sai lầm khi chăm con

Mỗi lần vào các group bỉm sữa mình đều thấy trăm ngàn câu đại loại như. “Con nhà tôi cho ngủ chung với bố mẹ suốt, vẫn sống khỏe có sao đâu” “Nhà chị tôi 3 đứa đều cho tập đi bằng xe tròn, vẫn đi nhoay nhoáy có sao đâu” “Ngày xưa các cụ cho trẻ sơ sinh uống nước tráng miệng suốt có sao đâu” “Trẻ con ngày xưa đứa nào chả ăn nước xương hầm có sao đâu?” “Mấy đứa nhà tôi đứa nào chả nằm gối có sao đâu?” “Ngày xưa toàn 3 tháng đã ăn dặm rồi có sao đâu?” “Cháu nhà tôi đứa nào ăn cháo chả phải cho ít muối, không thì nhạt miệng khó ăn chết, có sao đâu?” CÓ SAO ĐÂU sao bây giờ nuôi con cứ lắm chuyện ra!

Thực sự đọc mấy comment kiểu thế này mình cảm thấy tức về sự vô trách nhiệm của mạng xã hội với sự phát triển không chỉ của con mình mà còn với con nhà người khác.

Thứ nhất là thực sự con nhà bạn có sao hay không thì phải để xem xét lại đã nhé!

Định nghĩa “có sao” là như thế nào? Là bị bệnh tật, ốm yếu, là bị chết hay sao? Nếu mà cho trẻ uống nước một cái là trẻ lăn ra ốm cái đùng luôn mới được tính là có sao, thì hút thuốc lá, uống rượu, ăn đồ chiên rán nhiều cũng chẳng sao cả? Nhiều khi cái SAO nó không dễ nhìn đến như thế. Đôi khi nó là hệ lụy của 20 30 năm về sau. Thậm chí có khi nó chỉ khiến trẻ không phát huy được hết tiềm năng như vốn có, nhưng bạn không biết được, tôi không biết được, chẳng ai biết được hết vì trên đời này chỉ có duy nhất 1 đứa con của bạn mà thôi. Chẳng có đứa nào có y nguyên bộ gen đó, nuôi đúng theo cách đó, chỉ có điều 1 đứa ăn muối từ 3 tháng tuổi còn 1 đứa không ăn để mà so sánh cả. Cứ bảo là con nhà tôi cho tập đi sớm nên 9 tháng đã đi nhoay nhoáy, thế nhỡ không tập 8 tháng đã đi thì sao? Có quay ngược thời gian để thí nghiệm lại được không?

Thế nên người ta mới sinh ra bộ môn nghiên cứu khoa học. Tuy không có 2 đứa trẻ nào là giống nhau y hệt nhưng họ bỏ tiền bỏ của ra để dùng số lượng đè chất lượng. Người ta quan sát, xét nghiệm trên hàng trăm hàng ngàn cá thể để có thể loại trừ các biến môi trường nhằm đưa ra những kết luận tương quan có ý nghĩa, có độ tin cậy. Người ta không chỉ nhìn bằng mắt như chúng ta mà có máy móc để đo lượng muối trong nước tiêu, đo huyết áp, đo canxi thải ra trong nước tiểu, vân vân và mây mây để nhận ra tác hại của muối trong thực đơn của trẻ sơ sinh lên thận, lên huyết áp, tăng khả năng loãng xương (1). Người ta còn mở những cuộc nghiên cứu quy mô cả mấy chục năm trời để theo dõi sự phát triển của cả 1 thế hệ. Bố mẹ nào có khả năng khẳng định là con mình thực sự không sao?

trẻ lăn ra ốm

Thứ 2 là, Ok cứ cho là con của bạn may mắn thực sự không sao cả đi chăng nữa, thì tất cả đều chỉ là xác suất

Khoa học thống kê cả ngàn, cả vạn trường hợp để có thể tính được rủi ro của những hành vi của con người. Còn bạn bạn chỉ biết 1 đứa con nhà bạn, 3 đứa con nhà hàng xóm, chục đức cháu trong họ hay cùng lắm cứ cho là bạn nuôi cả 20 đứa trẻ đi chăng nữa thì cũng là quá ít ỏi để có thể đưa ra một kết luận có ý nghĩa. Nhiều bố mẹ vẫn tự tin cho con dùng xe tròn tập đi vì chỉ vì “ngày xưa mình đi mãi có sao đâu”. Mặc dù nhìn vào số liệu ở Mỹ từ năm 1970s khi mà các loại xe tập đi này bắt đàu thịnh hành thì ngày nào cũng có trường hợp trẻ bị chấn thương như gẫy xương, bất tỉnh, nứt sọ do ngã khi ngồi xe.(2) Trong những năm 1990s, có khoảng 20,000 ca chấn thương mỗi năm, và từ đó Mỹ đã có nhiều luật lệ ban hành để giúp baby walker trở nên an toàn hơn và Canada thì cấm luôn, việc bán và sử dụng sản phẩm này sẽ phải chịu phạt $10,000, thậm chí đi tù. (3)

Tất nhiên không phải trẻ nào dùng xe tròn tập đi này cũng chấn thương. Đa số là chẳng sao cả. Cũng như người tham gia giao thông, đa số đều chẳng sao cả, thậm chí đa số người uống rượu lái xe đều chẳng sao cả. Trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, thì nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm “chỉ” 1,47% (trên 274 vụ). Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đủ để ta lên án uống rượu lái xe, tuy 99 lần không sao nhưng chỉ cần 1 lần có sao là đi đời luôn rồi. Chỉ cần là 1 trong 20,000 ca chấn thương 1 năm đã là rất nhiều sao rồi đó ạ. Vậy nên đừng mang cái không sao của 1 mình mình ra đọ với số liệu thống kê nữa được không ạ?

Thứ 3 là những gì thuộc về kinh nghiệm truyền miệng thì luôn luôn nên cần kiểm chứng khoa học

Khi mà các tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rõ ràng là trẻ em dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ thì không nên uống thêm nước nữa (4) nhưng chỉ vì “các cụ vẫn làm thế có sao đâu” mà lại đi khuyên người khác “cứ làm cái gì mình thấy hợp lý” (Mặc dù chả hợp lý chút nào) thì đúng là đẩy con ng ta vào những rủi ro không cần thiết. Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước là tăng nguy cơ bị ngộ độc nước, hay chỉ đơn giản là biếng ăn hơn vì dạ dày con bé tí mà đã phải phần chỗ cho 2 thìa nước lọc rồi thì đừng hỏi tại sao con lại còi? Mà đừng bảo là ngày xưa các cụ cho con uống nước gạo thay sữa suốt có sao đâu nhé! Đừng quên tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi ngày xưa rất cao. Năm 1950 con số đó là 104/1000 (5) và khả năng là một vài ca tử vong trong số đó là do ngộ độc nước hay những sai lầm khác nhưng không được thống kê thôi

Nhiều khi tranh luận một hồi xong rồi xuề xòa ai về nhà nấy, con ai người nấy nuôi, rồi kêu thôi tự chọn cách phù hợp với mình là được??? Trời ơi nuôi con không phải một bộ môn nghệ thuật mà chúng ta ai thích sáng tạo như thế nào thì tùy ý. Tất nhiên có nhiều phương pháp khác nhau cho phù hợp với từng gia đình, từng tính cách từng trẻ. Cái này thì đúng là tùy các bố các mẹ lựa chọn cho phù hợp. Nhưng có những thứ nó đã là khoa học thì không thể thế nào cũng được được! Khi người ta đã mổ xẻ chiếu, chụp, xét nghiệm, nghiên cứu, phân tích thì chúng ta cũng nên lắng nghe và tiếp thu. Tất nhiên khoa học không phải là tuyệt đối. Luôn có những vấn đề gây tranh cãi như là vụ ngủ chung giường, xi tè sớm, luyện ngủ… Nên khi áp dụng một cách gì đó hãy thật tỉnh táo để nắm rõ lợi ích và rủi ro. Đừng vì “giang cự mận” bảo có sao đâu là thực sực không sao cả đâu nhé các mẹ ơi.

Kinh nghiệm của mình là khi đang hoang mang điều gì tuyệt đối không nên lên mạng hỏi các mẹ ơiiiii. Vì 9 người 10 ý chỉ tổ loạn đầu thêm thôi. Tốt nhất là kiếm 1 quyển sách hoặc 1 trang web có tiếng. Sau khi có chút chút kiến thức cơ bản rồi thì mới can đảm hỏi kinh nghiệm các mẹ khác nha!

Bài viết】được 【Mymyeveryday 】chuyển quyền chia sẻ

Đọc thêm: Rùng mình với clip em bé bò ra đường trong đêm, lái xe ô tô suýt thắng không kịp!

Xin ấn thích và theo dõi tiếp