Theo báo Người Lao Động, ngày 15-9, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viên Hùng Vương (TP HCM), cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa kịp thời hỗ trợ một cơ sở y tế tuyến dưới cứu sống một sản phụ hôn mê sâu trong lúc sinh mổ. Sản phụ là chị T.T.T.T (35 tuổi).
Sản phụ 35 tuổi hôn mê sâu nguy kịch do ngộ độc thuốc tê
Trước đó, chị T. (mang thai 39 tuần 5 ngày, ngôi đầu) đến Bệnh viện huyện Bình Chánh để chuẩn bị sinh trong tình trạng tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn ổn, các xét nghiệm lúc nhập viện trong giới hạn bình thường.
Sản phụ được chỉ mổ 3 ngày sau đó vì chuyển dạ ngừng tiến triển, ối vỡ ối và bé trai chào đời khỏe mạnh nặng 3,2 kg. Tuy nhiên, ngay sau đó sản phụ đột ngột hôn mê, bệnh viện đã báo động nội viện và ngoại viện.
Nhận thông tin cần hỗ trợ khẩn cấp, ê kíp Bệnh viện Hùng Vương gồm 5 y bác sĩ lên đường và đã có mặt tại Bệnh viện Bình Chánh trong chốc lát.
Tại thời điểm này, sản phụ vẫn đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, tim đều nhanh không âm thổi, đồng tử 2 bên không giãn nhưng không đáp ứng ánh sáng. Bệnh nhân cũng không có dấu hiện xuất huyết, vết mổ không dịch thấm băng, tử cung gò tốt, không có dịch ổ bụng, không bất thường vết mổ thành bụng.
Với trường hợp này, các bác sĩ nhận định nhiều khả năng có thể bị thuyên tắc ối, hoặc bị ngộ độc thuốc tê, hoặc xuyết huyết não. Song, các biểu hiện lúc này khiến bác sĩ nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc tê.
Theo BS Ngô Sáu, Khoa Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức Bệnh viện Hùng Vương, sản phụ lập tức được điều trị bủa vây, cụ thể là truyền tĩnh mạch lipid 20% (điều trị ngộ độc thuốc tê) và duy trì hạ huyết áp. Khoảng sau 30 phút hạ áp và truyền lipid bệnh nhân có dấu hồi tỉnh thở lại, gọi ra dấu đúng, làm theo lệnh đúng. Sau gần một ngày điều trị, sức khỏe của sản phụ đã hoàn toàn ổn định.
“Nếu xử trí chậm vài phút, bệnh nhân đã có thể tử vong. Đây là trường hợp phản ứng thuốc tê ngoài ý muốn”, BS Sáu thông tin.
Đọc thêm: Giữa sinh thường và sinh mổ cái nào có lợi hơn?
Ngộ độc thuốc tê: Một số điều cần biết
Theo Bệnh viện TWQĐ 108, Gần đây, ở nước ta nhiều ca tai biến nghiêm trọng xảy ra liên quan đến gây tê mà nguyên nhân vẫn bị ngộ nhận là sốc phản vệ. Thực tế sốc phản vệ do thuốc tê là rất hiếm gặp, nhất là các nhóm thuốc tê chính đang sử dụng hiện nay hầu hết thuốc nhóm Amino-Amid. Ngộ độc thuốc tê (NĐTT) mới là nguyên nhân chính gây ra những tai biến đó.
Biểu hiện lâm sàng ngộ độc thuốc tê
Trong và sau gây tê gặp những dấu hiệu sau đây cần nghĩ ngay đến NĐTT.
Dấu hiệu thần kinh trung ương
– Dấu hiệu gợi ý: Đắng miệng, tê quanh miệng, ù tại, nhìn mờ.
– Kích thích: Kích động, nói nhảm, lú lẫn, rung giật, co giật.
– Ức chế: Ngủ lơ mơ, đờ đẫn, hôn mê, hoặc ngưng thở.
Dấu hiệu tim mạch (đôi khi là biểu hiện duy nhất của NĐTT)
– Rối loạn nhịp tim và hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim.
– Tụt huyết áp tiến triển.
– Ngừng tim.
Xử trí
Lipid 20% là thuốc dùng đầu tiên, chủ yếu và quan trọng nhất trong điều trị NĐTT
1. Ngừng tiêm thuốc tê
2. Gọi hỗ trợ
3. Lấy hộp cấp cứu NĐTT. Truyền Lipid 20% Kiểm soát đường thở: Thở oxy 100%, đặt nội khí quản thở máy nếu cần.
– Cách dùng Lipid 20%
Tiêm tĩnh mạch 1,5nl/kg Lipid 20% trong 2-3 phút
Truyền duy trì 0,25ml/kg/phút
Nếu tình trạng bệnh nhân vẫn không ổn định
Tiêm nhắc lại 1-2 lần với liều tương tự và gấp đôi tốc độ truyền duy trì.
Tổng liều không vượt quá 12ml/kg hay 1000ml trong 30 phút
4. Điều trị co giật: Benzodiazepin (Midazolam) tránh dùng Propofol nhất là ở những bệnh nhân huyết động không ổn định
5. Điều trị nhịp chậm: Atropine
6. Ngừng tim do NĐTT (Thuốc điều trị ngừng tim trong NĐTT khác với thuốc điều trị ngừng tim khác)
– Hồi sinh tim phổi. Gọi đơn vị tim phổi nhân tạo gần nhất. Sẵn sàng hồi sức kéo dài.
– Dùng ngay Lipid 20%.
– Liều adrenaline 1mcg/kg.
– Rung thất: sốc điện.
– Không sử dụng: Vasopressin, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc ức chế Beta hoặc các loại thuốc tê khác.
7. Tiếp tục theo dõi 4-6 giờ nếu có biến cố tim mạch, hoặc ít nhất 2 giờ nếu có biến cố thần kinh trung ương
Yếu tố nguy cơ và dự phòng
– Cân nhắc, dùng lượng thuốc tê nhỏ nhất để đạt mức tê và thời gian tê mong muốn.
– Nồng độ thuốc tê trong máu bị ảnh hưởng bởi vị trí tiêm và liều sử dụng.
– Những bệnh nhân nguy cơ cao NĐTT là: trẻ em, người già yếu, suy kiệt, suy tim, rối loạn dẫn truyền nhịp tim, protein máu thấp.
– Hút ngược xilanh trước mỗi lần tiêm, quan sát xem có máu trong xilanh.
– Tiêm chậm quan sát và hỏi để phát hiện những dấu hiệu NĐTT.
– Theo dõi bệnh nhân liên tục bằng Monitor trong và sau khi tê ít nhất 30 phút.
– Giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện triệu chứng NĐTT.
– Nghĩ đến NĐTT ở bệnh nhân có thay đổi trạng thái tinh thần, triệu chứng thần kinh hoặc dấu hiệu bất thường về tim mạch sau gây tê. Cân nhắc NĐTT ngay cả khi: Liều thuốc tê nhỏ, tê dưới da, tê niêm mạc, phẫu thuật viên tê, sau tháo garo.
Kết luận
– Khi có những rối loạn về thần kinh và tim mạch trên bệnh nhân gây tê cần nghĩ ngay đến NĐTT, phản ứng phản vệ liên quan đến gây tê là rất hiếm gặp.
– Sử dụng Lipid 20% ngay khi có biểu hiện đầu tiên và rõ ràng của NĐTT do bất kỳ loại thuốc tê nào.
– Liều adrenaline ≤ 1mcg/kg là hiệu quả hơn trong hồi sinh tim phổi nâng cao ở bệnh nhân ngừng tim hoặc tụt huyết áp do NĐTT.
Nguồn: Người Lao Động, Bệnh viện TWQĐ 108
Xin ấn thích và theo dõi tiếp