Potty train- luyện trẻ ngồi bô một cách thong thả!

Potty train- luyện trẻ ngồi bô một cách thong thả!

Xi tè đơn giản chỉ là một cách tạo phản ứng có điều kiện, liên kết tiếng xi và việc thả lỏng cơ để thải nước tiểu. Việc xi tè chỉ thành công khi hệ thần kinh của con đủ phát triển để thiết lập phản ứng có điều kiện bố mẹ đặt “điều kiện” (xi tè) đúng lúc khi còn có cảm giác buồn tè chứ ko phải xi tùy hứng ngay cả lúc bàng quang trống.  Mình vẫn giữ quan điểm xi tè không có hại, phù hợp cho các gia đình muốn tiết kiệm bỉm, tránh hăm trong thời tiết nóng ẩm. Còn việc hiệu quả hay phản tác dụng tùy thuộc vào cách thực hiện của bố mẹ

Tuy nhiên thì con đi tè được theo hiệu lệnh xi không phải là đã hoàn tất việc tập đi vệ sinh “potty train”. Định nghĩa Potty train hoàn tất khi con biết tự vào nhà vệ sinh giải quyết đúng lúc đúng chỗ.

1. Khi nào thì potty train (luyện trẻ ngồi bô)

Potty train- luyện trẻ ngồi bô một cách thong thả!
Ảnh minh họa

Khi con sẵng sàng! Mình biết là bố mẹ sẽ cảm rất sốt ruột khi các bạn khác đều đã bỏ bỉm hết rồi còn con mình thì tháng nào cũng vẫn đóng tiền bỉm cho siêu thị. Nhưng việc potty train đối với con là một việc trọng đại, phụ thuộc vào mức độ phát triển của cả trí não và thể chất. Thời điểm cán mốc của mỗi trẻ lại một khác. Bố mẹ cứ tự tin rằng không có đứa trẻ bình thường nào đi lớp 1 mà vẫn còn mặc bỉm, và mặc bỉm đến 3-4 tuổi ko làm chân bị vòng kiềng. Hãy chờ đến khi con:

  1. Tự ngồi được
  2. Tự tụt quần và kéo quần lên được
  3. Nghe hiểu và làm theo chỉ dẫn đơn giản như “ngồi vào bô, tụt quần, kéo quần…”
  4. Bỉm của con khô trong suốt 2 tiếng chứng tỏ bàng quang của bé đã đủ phát triển để kiểm soát việc tiểu tiện
  5. Biết nói với bố mẹ là con buồn tè/ị, mặc dù có thể sau đó đi luôn tại chỗ hoặc vào bỉm
  6. Tò mò khi bố mẹ đi vệ sinh

2. Chuẩn bị

Đối với chúng ta việc tiểu tiện và đại tiện rất tự nhiên chẳng cần nghĩ, nhưng đối với trẻ, các tín hiệu của cơ thể, các “thủ tục” trong nhà vệ sinh đều mới lạ. Trước khi bắt đầu “chiến dich” tập bô, bố mẹ nên có các bước chuẩn bị khi thấy con dần cán mốc các điều kiện cần như ở trên
– Khả năng thấm hút vượt trội của bỉm ngày nay khiến trẻ đôi khi không biết cảm giác hay nhìn thấy “thành phẩm” của việc tiểu/đại tiện sẽ như nào. Tất nhiên có những trẻ nhạy cảm hơn với tã bẩn và việc tập bô sẽ nhanh hơn. Nhưng có những trẻ có thể ngồi hàng giờ trong chiếc bỉm bốc mùi mà không phàn nàn gì, hoặc chúng cũng không biết mùi thúi đó là do chúng gây ra.

Con cần trải nghiệm tè dầm và ị đùn trước khi còn biết đi đúng chỗ. Khi con đã biết làm các việc 1,2 3, 4 như ở trên, bố mẹ có thể bỏ bỉm cho con nhiều hơn để con bắt đầu nhận biết các tín hiệu khi cần đi vệ sinh. Bố mẹ có thể cho con xem “thành phẩm” để con biết khi con tiểu tiện sẽ bị ướt như thế nào, khi con đại tiện sẽ ra “vật” gì… Lúc này trẻ sẽ thực hiện được bước 5. Nhiều bé sẽ bắt đầu trốn vào 1 góc khi đi tiểu/đại tiện (kể cả vào bỉm)

Potty train- luyện trẻ ngồi bô một cách thong thả!
Ảnh minh họa

Lưu ý không la mắng con hay tỏ ra ghê tởm khi con lỡ tè dầm/ị đùn. Điều này khiến trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc sợ với việc pee/poop. Khi trẻ bắt đầu tò mò lúc bố mẹ đi giải quyết nỗi buồn, hãy cho trẻ đi vào nhà vệ sinh cùng. Tốt nhất là bố đi với con trai, mẹ đi với con gái để con học được từ quan sát người thật việc thật. Giải thích cho con về tiểu tiện và đại tiện.

a)  Thống nhất cách gọi. Peepee poo poo, số 1 số 2, tè ị… gọi thế nào cũng đc nhưng vốn từ của bé còn hạn chế nên chỉ nên dùng 1 cách thôi để bé không rối, thống nhất cả với cô giáo nữa.

b)  Mua bô. Bố mẹ nên mua bô từ sớm. Để trong nhà vệ sinh để bé quen dần với “bạn” mới này. Không nên dí trẻ ngồi xuống khi trẻ không muốn. Giới thiệu bô để làm gì, dùng như thế nào khiến trẻ thấy thoải mái và thử ngồi lên (kể cả khi mặc quần) khi bé thích. Mình thấy bô thân thiện hơn là miếng lót đặt trên bồn cầu vì bé có thể tự dùng bô mà không cần bố mẹ giúp leo lên leo xuống.

c) Mua underwear dễ thương. Quần chip có hình các nhân vật con thích cũng giúp con có động lực bỏ bỉm để được mặc quần xì hello kitty hay người nhện đấy!

d)  Đọc sách về dùng bô. Nhà mình chỉ có 1 quyển duy nhất là “Potty” đọc từ lúc 1 tuổi đến bây giờ. Truyện rất đơn giản, hình vẽ dễ thương giúp con hiểu rằng ai cũng cần pee/poop, giới thiệu cái bô, quá trình kiên nhẫn tập và kết quả.

3. “Chiến dịch” tập bô

Khi con đã đạt các mốc phát triển và qua giai đoạn chuẩn bị. Bố mẹ hãy lên kế hoạch cho 3 ngày thực hiện tập luyện triệt để:

  • Thông báo trước với con về “chiến dịch” này, mình sắp phải chia tay bỉm rồi, và cho con thấy đây là một sự kiện quan trọng, khiến con cảm thấy người lớn hơn
  • Bắt đầu chiến dịch bằng việc tạm biệt bỉm và cho con mặc chiếc quần lót yêu thích. Nhớ mua thật nhiều vì trẻ chắc chắn sẽ tè dầm kha khá đó.
  •  Để bô gần chỗ con chơi, tránh việc phải mang con leo 2 tầng nhà nha
  • Cho con uống nhiều nước: Nước lọc, nước hoa quả, các loại nước bé thích.
  • Khoảng 20 phút (Có thể đặt chuông báo) lại rủ bé đi vệ sinh. Những lần đầu chắc chắn bé sẽ từ chối rồi sau đó tè dầm ra nhà. Các lần sau hãy nhắc bé về tai nạn “dấm đài” trước đó và hỏi bé có muốn thử dùng bô không.
  • Phần thưởng!!! Mỗi lần bé ngồi bô và đi được đúng cách. Hãy thưởng cho bé. Nhà mình tặng sticker vì My cực kì thích dán sticker. Có thể cho 1 viên kẹo M&M, thổi bong bóng, đóng dấu lên tay… tùy bố mẹ sáng tạo và sở thích của từng bé
Potty train- luyện trẻ ngồi bô một cách thong thả!
Chiếc bô dã chiến của My chằng chịt sticker chỉ sau 2 ngày.

 

  • Đừng quên hò reo cổ vũ, ôm hôn, bắt tay, high five, hát một bài… khi bé làm tốt nhé. Khi bé chẳng may tè dầm cũng đừng quát mắng, hãy nói “không sao cả, dần dần con sẽ làm tốt hơn”
  • Nếu bé đi nhà trẻ, hãy thống nhất với cô giáo về phương pháp để bé tiếp tục được tập khi đến lớp
  • Thường 3-5 ngày bé sẽ hoàn thành, biết ngồi bô khi buồn đi vệ sinh. Chắc chắn sẽ còn vài lần tè dầm thường là do bé quên, mải chơi thôi chứ bé hoàn toàn đã có khái niệm và khả năng ngồi bô tốt rồi

4. Bỏ bỉm đêm

Đây là bước cuối cùng và cũng khó khăn nhất với nhiều bé. Mình ko đặt nặng khoản này lắm vì 80% là phụ thuộc vào sự phát triển tự nhiên về trí não của trẻ. Chỉ có 66% trẻ dưới 3 tuổi không tiểu đêm. Cho đến 6 tuổi vẫn còn 15% trẻ tè dầm ban đêm, và các bé trai thường xảy ra nhiều hơn các bé gái.
Sau khi tập bô ban ngày xong mình vẫn cho My đóng bỉm lúc ngủ. Không cho uống nhiều nước trong vòng khoảng 2 tiếng trước giờ đi ngủ.Cho My đi vệ sinh trước khi lên giường.
Khoảng 1-2 tuần ngủ mà bỉm khô hoàn toàn thì mạnh dạn bỏ bỉm đêm luôn

5. Một số tips khác

  • Khi đi chơi bé thường hay quên đi vệ sinh hơn, bố mẹ cũng hay quên nhắc con hơn. Thế nên nhớ đặt báo thức để gọi bé đi tránh tè dầm ra nhà người khác
  • Xả tự động ở các nhà vệ sinh công cộng đôi khi khiến con sợ. My từng nhịn đi vệ sinh cả 1 ngày ở disneyland và tè dầm trong xe đẩy. Bố mẹ hãy bịt sensor bằng 1 tờ giấy vệ sinh trước khi cho con ngồi để tránh bồn cầu tự xả khi con đang dùng
  • Đừng quên dạy bé gái chùi từ trước ra sau
  • Sẽ có những giai đoạn bé đột nhiên đang thực hành nghiêm chỉnh, bỗng tè dầm rất nhiều. Nguyên nhân có thể do tâm lý cảm thấy bất an vì chuyển nhà, chuyển trường, chuyển lớp, hay gia đình có thành viên mới… Hoặc có thể do sinh lý như táo bón hay viêm tiết niệu. Những lúc như thế bố mẹ dễ dàng nổi cáu vì cảm giác bao nhiêu công sức đi lau chùi pee poop đổ sông đổ bể hết. Nên nhớ đó là giai đoạn rất bình thường và đa số các bé đều trải qua, bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân và điều trị nếu là sinh lý và trấn an bé nếu là tâm lý

Chúc các bé có một bờ mông thoáng mát !

Bài viết】được chia sẻ bởi【Mymyeveryday

Xin ấn thích và theo dõi tiếp