“Tôi đau quặn bụng cả ngày lẫn đêm, ngủ quên thì đỡ đau, đêm nào mất ngủ là sáng càng khủng khiếp hơn nữa”, chị N.T.H gửi tâm sự đến MamaClub và chia sẻ thêm rằng có đợt chị tiêu chảy mỗi ngày trên 10 lần, đầy bụng xì hơi liên tục. Sức khỏe suy kiệt khiến chị phải ngưng hẳn công việc kế toán, chỉ ở nhà dưỡng bệnh.
Đây chính là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích ở mẹ bầu – một bệnh không khó gặp trong thời gian mẹ mang thai. Chị N.T.H khá lo lắng và thắc mắc liệu hội chứng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của chị và đứa con trong bụng hay không? Nghe tên hội chứng có vẻ nghiêm trọng thế thôi nhưng hội chứng này sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi nếu các mẹ biết cách kiểm soát tốt căn bệnh này.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Đây là sự rối loạn chức năng của ruột, gây đau quặn bụng, rối loạn đại tiện ( đi phân lỏng nhiều lần trong ngày hoặc táo bón trên 4 ngày), đầy bụng sình hơi…Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ mang thai. Vì khi mang thai, hormone progesterone trong cơ thể mẹ bầu tăng lên, nhu động ruột yếu đi, khiến dạ dày và ruột co thắt nhiều hơn, dẫn tới hội chứng đại tràng kích thích. Bên cạnh đó, trong thời kỳ thai nghén, do các axit trong dạ dày làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn hoạt động kém đi nên mẹ bầu dễ bị đầy bụng khó tiêu, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Đọc thêm: Khó tiêu đầy bụng ăn gì? 6 thực phẩm không thể bỏ qua
Hội chứng ruột kích thích khi mang thai có những triệu chứng nào?
- Đau bụng hoặc bụng khó chịu, đầy bụng, sình hơi.
- Thay đổi số lần đi cầu, tính chất phân thay đổi
- Tiêu chảy và táo bón thường xuyên.
- Buồn nôn, khó tiêu và có cảm giác có cục vướng ở họng.
- Đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ, đau cơ. Nhìn thiếu sức sống.
Phương pháp điều trị
Khi mẹ bầu phải chịu đựng cùng lúc hội chứng ruột kích thích và các thay đổi thất thường trong cơ thể khi mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách ngăn ngừa và kiểm soát chứng bệnh này. Ngoài ra, mẹ bầu hãy tham khảo những lời khuyên rất hữu ích của MamaCub sau đây nhé:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ: Không chỉ để ngăn ngừa, giảm nhẹ hội chứng mà đây là thói quen nên được xây dựng trong suốt quá trình mang thai của mẹ bầu.
- Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên uống từ 8 – 10 cốc nước nhỏ mỗi ngày. Ngoài ra, nước ép mận còn có thể giúp mẹ bầu giảm táo bón. Do đó, nếu được, hãy nhấm nháp một chút nước mận ấm vào mỗi buổi sáng nhé. Hoặc mẹ bầu cũng có thể uống nước gừng ấm để làm ấm bụng và chống buồn nôn.
- Tập luyện: Hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh căng thẳng thần kinh, tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục, đi bộ buổi sáng,…
- Ăn nhiều chất xơ: Các thực phẩm như hoa quả, rau cải và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm tình trạng táo bón. Chất xơ giúp đưa nước vào ruột, làm mềm phân và cho phép chúng đào thải ra ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn nên tránh xa các loại thực phẩm có ga như đậu, bông cải xanh, súp lơ vì những món này có thể khiến tình trạng ruột kích thích trở nên nghiêm trọng hơn.
- Cân nhắc các loại thuốc đang sử dụng: Thuốc thường giúp những người bị hội chứng ruột kích thích kiểm soát tình trạng táo bón, tiêu chảy và các vấn đề khác. Một số thành phần có thể không an toàn cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, mẹ bầu nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ để xem xét việc nên dừng uống thuốc cho đến khi sinh con hay chuyển sang loại thuốc mới.
- Thư giãn: Căng thẳng không những làm tình trạng ruột kích thích ở mẹ bầu trở nên tồi tệ hơn mà còn liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe không tốt khác. Do đó, hãy cố gắng chú ý đến cảm xúc của bản thân nhiều hơn và thường xuyên chia sẻ suy nghĩ với mọi người để tinh thần được thoải mái.
Trên đây là những kiến thức cần thiết về hội chứng ruột kích thích ở mẹ bầu. MamaClub hy vọng có thể đem đến những lợi ích sức khỏe thiết thực nhất để các mẹ bầu có một sức khỏe tốt và luôn tràn đầy năng lượng trong thời gian mang thai nhé!!
Đọc thêm: Cách “đối phó” với bệnh tiêu chảy khi đang mang thai
Xin ấn thích và theo dõi tiếp