Thưởng, phạt con như thế nào mới là khoa học?

Mặc dù không bậc phụ huynh nào muốn nhưng phạt con là điều thật sự cần thiết mỗi khi trẻ mắc lỗi. Thực tế, nhiều cha mẹ không thể kiểm soát cảm xúc của mình và phạt con nhiều hơn lỗi mà trẻ phạm phải.

Người lớn luôn đúng?

Sở dĩ phụ huynh thường áp dụng biện pháp trừng phạt con cái nặng nề vì những quan niệm sai lầm như: người lớn luôn đúng, trẻ em phải thuận theo mới là ngoan, phạt con càng nghiêm càng tốt, trẻ sẽ hư nếu không bị đánh đòn…

Những cách phạt con ấy dễ gây ra những hậu quả xấu về mặt tâm lý, hình thành nhân cách không ổn định và sau này khó có thể lại giáo dục con cái theo kiểu trừng phạt.

Khi con không nghe lời, nhiều phụ huynh cảm thấy giận dữ, mất kiểm soát và kéo theo là những hành động trừng phạt, làm tổn thương trẻ. Trong cơn nóng giận, không ít phụ huynh chửi mắng con bằng các từ ngữ thậm tệ.

Việc la hét, trừng phạt con khi phẫn nộ sẽ khiến trẻ trở nên lệ thuộc vào những người có địa vị xã hội cao hơn. Để bảo vệ lòng tự trọng cho con, cha mẹ nên dùng các từ trung tính khi phạt trẻ.

Phụ huynh nên nghiêm khắc thực hiện lời mình nói

Trong các trường hợp trẻ muốn khám phá mọi thứ xung quanh và không có ý định làm hại người khác, bố mẹ không nên phạt dù hành động của con gây hậu quả xấu. Thay vào đó, phụ huynh nên trò chuyện, giải thích để con hiểu và hướng dẫn bé tìm ra cách xử lý phù hợp. Việc phạt con khi trẻ không có ý xấu khiến chúng trở thành người thiếu quyết đoán, chỉ biết làm theo yêu cầu của người khác khi trưởng thành.

Việc phụ huynh phạt con nơi công cộng khiến trẻ xấu hổ và giận dữ và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các bé. Đứa trẻ bị la mắng nơi đông người sẽ cảm thấy bị làm nhục, dần dần có thể dẫn đến đánh mất bản thân. Lớn lên, các bé sẽ sống phụ thuộc vào ý kiến số đông và khó tự đưa ra quyết định.

Khi các bậc phụ huynh cảnh cáo sẽ phạt con thì nên nghiêm khắc thực hiện lời mình nói. Việc dọa mà không phạt khiến trẻ từ từ nhận ra cha mẹ chỉ nói vậy thôi và dần đánh mất niềm tin ở người lớn. Hệ giá trị của trẻ sẽ bị hủy hoại khi chúng không thể phân biệt tốt, xấu. Đương nhiên, phụ huynh có thể không phạt con nếu lời đe dọa có hiệu quả. Kèm theo đó, phụ huynh nên giải thích rõ lý do không phạt.

Khi không biết rõ ai là người phạm lỗi, phụ huynh không nên chỉ phạt riêng một người. Cách làm này chỉ được thực hiện khi cả hai trẻ là anh, chị, em trong nhà và các bé đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu chỉ phạt một người, trẻ bị phạt trở nên nhu nhược, dễ bị biến thành kẻ thế tội trong tương lai. Trong khi đó, những đứa trẻ không bị phạt sẽ dễ tự kiêu và hình thành lối sống vô trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chú ý trong việc thưởng cho con. Khi làm được việc tốt trẻ muốn được công nhận. Hãy khen ngợi và động viên con dù chỉ là con biết chào hỏi và “cám ơn – xin lỗi”, biết xếp quần áo gọn gàng hoặc khi đã rửa tay sạch, hoàn thành bài tập hay làm việc nhà giúp cha mẹ…

Không thổi phồng quá mức thành tích của con

Lời khen cần được thực hiện ngay tại chỗ và “khoe” với người xung quanh, khuyến khích họ cùng tham gia động viên trẻ. Con sẽ tự hào và vui như được nhận món quà. Không thổi phồng quá mức thành tích của con, làm như vậy lời khen của cha mẹ sau này sẽ mất tác dụng và trẻ sẽ trở nên huênh hoang, tự cao, háo danh.

Phần thưởng cho những cố gắng của con nên là cái mà trẻ muốn, chứ không phải cái trẻ cần. Không thưởng con dựa trên hành động mà dựa trên kết quả: “Con làm xong bài tập sẽ được đi chơi thêm nửa giờ”, “Con biết đạp xe thì sẽ tập bơi”, “Con thi tốt thì mùa hè được đi biển nghỉ mát”… Cha mẹ không nên thưởng con vô tội vạ. Nếu làm việc gì cũng được khen và tặng quà, trẻ sẽ nhàm chán và tỏ ra thờ ơ, đồng thời liên tục “leo thang” đòi mua thêm những thứ mà con thích.

Cha mẹ nên kết hợp nghiêm khắc và mềm mỏng, chọn hình thức thưởng, phạt phù hợp với tùy tình huống, mức độ hành vi, độ tuổi và tính khí của từng trẻ. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh có sai, cần biết xin lỗi và giải thích với con. Hãy cư xử với con theo cách cha mẹ muốn con cư xử với mình.

Theo Dantri.com.vn

Xin ấn thích và theo dõi tiếp