Hãy dạy con cơ thể là của con không được để bất cứ ai chạm vào, và những quy tắc an toàn cần biết!

Vụ án những em bé bị xâm hại: bố mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng này!

Ấu dâm không còn là một vấn đề xa lạ đối với thực trạng xã hội Việt Nam một vài năm trở lại đây. Sự dũng cảm lên tiếng của những nạn nhân như là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả những bậc cha mẹ đang có con nhỏ. Để bảo vệ con cái mình khỏi những con “yêu râu xanh”, bố mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để con có thể tự bảo vệ mình những khi cần thiết.

Vụ án những em bé bị xâm hại: bố mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng này!

Gần đây, những vụ ấu dâm xảy ra thường xuyên và phức tạp đến mức chóng mặt. Người ta vẫn chưa kịp hả hê vì đã đưa được tên “dê già” Vũ Khắc Thủy (Vũng Tàu) chịu mức án 03 năm tù tội dâm ô trẻ em (Dù mức án này chưa thực sự thỏa đáng), thì liên tiếp những vụ án tiếp theo được dư luận xã hội để ý tới, như vụ án về tên “yêu râu xanh” Nguyễn Hữu Linh (Cựu Viện phó Viện kiểm sát TP Đà Nẵng) có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy, Trần Anh Kiệt (cha dượng – Vũng Tàu) lạm dụng tình dục con riêng của vợ và hàng loạt như vụ án đau lòng như anh lạm dụng em, thậm chí ông lạm dụng cháu…

Dù bạn đang có một bé trai kháu khỉnh, hay bé gái xinh xắn, thì việc dạy con những kỹ năng cần thiết để tránh rủi ro đến với con mình thực sự là một điều cần thiết. Hãy dạy con cơ thể là của con không được để bất cứ ai chạm vào, và những quy tắc an toàn dưới đây để giúp con tránh được nạn xâm hại tình dục rình rập:

1. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy dạy con cơ thể của con thuộc về con và phân biệt những vùng nhạy cảm trên cơ thể

Hãy giải thích cho con rằng, cơ thể con là điều quý giá nhất, và nó luôn thuộc về con. Con có quyền nói “không” khi con không muốn khi bị người khác động chạm, hoặc hơn thế là những cử chỉ thân mật như ôm – hôn.

2. Phân biệt những vùng nhạy cảm, những bộ phận riêng tư và giới hạn cơ thể

Vụ án những em bé bị xâm hại: bố mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng này!

Bố mẹ cũng cần dạy cho trẻ những vùng nhạy cảm trên cơ thể như cơ quan sinh dục, miệng, ngực, mông và giữa hai đùi… Hãy nói với con đây là những bộ phận “riêng tư” “bí mật” và không phải ai cũng có thể xem, nhìn hay động chạm. Giải thích với con rằng tất cả mọi người phải nhìn thấy con có quần áo che phủ các bộ phận kín. Đồng thời, mẹ cũng cần dặn con: Trong một số tình huống, bác sĩ có thể khám, nhưng chỉ khi có bố/mẹ ở cạnh và đó là vì bác sĩ khám cho con mà không phải lý do nào khác.

3. Dạy trẻ cởi mở chia sẻ những vấn đề liên quan tới bản thân đã xảy ra ở môi trường xung quanh

Việc bố mẹ động viên trẻ ý thức được về sự chia sẻ cho bố mẹ biết về những điều xảy ra ở lớp ở trường, ở khu tập thể, ở khu vui chơi,…là tiền đề cho việc bé cởi mở chia sẻ với bố mẹ những điều liên quan tới xâm hại cơ thể.

Hầu hết những đối tượng ấu dâm đều yêu cầu trẻ giữ kín bí mật này, bằng cách dụ dỗ hay dọa dẫm. Chúng có thể đưa ra yêu cầu thân thiện, hoặc cũng có thể gây cho bé sợ hãi để giữ im lặng. Hãy nói với con bất cứ ai đưa ra yêu cầu con giữ bí mật về bộ phận riêng tư trên cơ thể con là không đúng. Con luôn cần phải “mách” bố mẹ sau khi sự việc xảy ra, và trấn an trẻ rằng: “Con sẽ không gặp rắc rối hay phiền phức nếu con kể cho bố mẹ. Bố mẹ luôn là chỗ dựa vững chãi cho con.”

4. Không nhận quà của người lạ nếu chưa được sự đồng ý của bố mẹ

Đối tượng ấu dâm thường dụ dỗ trẻ bằng quà cáp và lời nói ngon ngọt. Nếu ai ngỏ ý muốn giúp đỡ, hoặc cho kẹo hay quà bánh, bé cần được sự đồng ý của bố mẹ mới được nhận. Nếu họ kiên quyết tiến lại gần và có những hành động khiếm nhã, thì bé lập tức phải bỏ chạy và có những hành động tự vệ bản thân.

5. Dạy trẻ những kỹ năng, động tác chống lại khi bị tấn công hay sàm sỡ

Vụ án những em bé bị xâm hại: bố mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng này!

– Dạy trẻ bỏ chạy, la, cắn, cấu xé và vùng vẫy: Đối với trẻ, cách phòng vệ dễ dàng thực hiện nhất như là bỏ chạy, la, cắn, cấu xé và vùng vẫy trong trường hợp những người có ý đồ xấu chưa đụng được tới trẻ.

– Nếu bị ôm thì giật tay lại và la lớn: Còn với trường hợp trẻ bị nắm tay, bố mẹ hướng dẫn cho trẻ cách giật tay thật mạnh, sau đó bỏ chạy và la lớn. Trường hợp bé bị ôm cha mẹ nên hướng dẫn trẻ xử lý bằng cách dùng 2 tay ấn mạnh vào mắt người lạ. Hoặc dùng chân đá mạnh vào hạ bộ nhằm đánh lạc hướng để bỏ chạy. Khi bị hôn, trẻ có thể đưa 2 tay đan chéo trên mặt và la lớn và bỏ chạy nhanh.

– Nếu không thể bỏ chạy thì thu người lại: Trong trường hợp nguy hiểm mà không thể bỏ chạy, bố mẹ  nên dạy trẻ thu người lại, 2 tay và 2 chân đan chéo nhau. Nếu không trẻ có thể dùng toàn thân, ôm chặt chân của đối phương. Ngoài ra, trẻ có thể dùng “tiểu xảo” là cắn thật mạnh hoặc cố tình tè ra quần để khiến đối phương lúng túng.

Hiện nay có rất nhiều lớp học dạy những kỹ năng này, bố mẹ có thể cho con tham gia để tăng cường tương tác. Hoặc luôn tạo hiện trường giả để rèn luyện phản ứng tinh nhanh của con.

6. Dạy trẻ cách cầu cứu khi xảy ra sự việc không mong muốn

Thông thường khi bỏ chạy hoặc kêu cứu, trẻ thường hay nói: “Cứu con với, cứu con với”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cách này chưa thực sự hiệu quả. Khi nhìn thấy người lớn, trẻ nên chỉ đích danh đặc điểm của người đó để cầu cứu. Ví dụ như: “Chị áo đỏ ơi, cứu em với”. “Bác bảo vệ ơi cứu cháu”. Theo nghiên cứu tâm lý học, điều này làm cho người khác có trách nhiệm cứu trẻ hơn.

7. Dạy trẻ học thuộc số điện thoại của người thân và địa chỉ gia đình

Đây là điều vô cùng thiết thực, không chỉ dành cho việc bảo vệ bản thân. Bố mẹ cần trang bị cho bé thông tin này đề phòng những trường hợp bố mẹ không thể ở bên cạnh con 24/24 và cần sự giúp đỡ từ những người tốt xung quanh bất cứ khi gặp vấn đề gì.

Không bao giờ là quá sớm để trang bị cho con những kiến thức thực tế để bảo vệ bản thân. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con, hướng dẫn con, giúp con có được sự bản lĩnh và bình tĩnh đối mặt với những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong cuộc sống.

Đọc thêm: Bố mẹ chơi Tiktok, con trai 3 tuổi bắt chước nhảy xuống đầu gập 90 độ tiếp đất

Xin ấn thích và theo dõi tiếp