Xã hội hiện đại, khi bố mẹ bị cuốn vào guồng xoay của mưu sinh, không có quá nhiều thời gian dành cho con, đã có rất nhiều hệ lụy của vấn đề này. Việc ít tương tác với trẻ từ khi còn nhỏ, hoặc chưa đủ thời gian để nhận ra những dấu hiệu về giao tiếp của trẻ, khiến cho bệnh tự kỷ ở trẻ em ngày càng phổ biến hơn. Vậy những dấu hiệu nào để bố mẹ sớm nhận biết được sự rối loạn phát triển này và cách chăm sóc trẻ như thế nào, để bé có một cuộc sống ý nghĩa nhất?
Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ
Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa, xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, và có những dấu hiệu nhận biết nhất định. Bố mẹ cần để ý tới sự phát triển của con để nhận ra những dấu hiệu khác thường và có những biện pháp tác động kịp thời.
1. Giảm tương tác với thế giới xung quanh
Đây là dấu hiệu nhận biết dễ dàng nhất ở trẻ. Trẻ có xu hướng ít nhìn thẳng, ít chỉ tay, ít cử chỉ giao tiếp, khi gọi không có tín hiệu đáp lại, không sợ hãi trước người lạ, ít thể hiện cảm xúc, không chia sẻ với người thân xung quanh… Trẻ thường né tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh, thậm chí cũng không phân biệt được người nào là người gần gũi nhất hay quan trọng nhất với bé như xem bố mẹ, ông bà…như người dưng.
Nếu bé có nhu cầu cần lấy một vật gì hoặc làm gì, bé sẽ dắt tay người lớn, chứ không nhờ, không nói như những bạn bình thường. Nói cách khác, người lớn dường như chỉ là công cụ vô giác lấy đồ vật giúp trẻ.
2. Giảm giao tiếp với mọi người xung quanh
Về vấn đề giao tiếp, ngay từ khi còn nhỏ, cũng đã có những dấu hiệu nhất định mà bố mẹ cần quan tâm. Ví dụ như bé sẽ chậm nói hơn những trẻ bình thường. Nếu nói được thì cũng phát âm vô nghĩa, không biết duy trì hội thoại, không có phản ứng đúng trọng tâm khi được hỏi hay nói chuyện. Ngoài ra, đối với trẻ tự kỷ, trẻ cũng khó có thể diễn tả được ngữ điệu khác nhau, thiếu diễn cảm, nhịp điệu…
3. Có những hành vi chống đối lại lời nói của người lớn
Rất nhiều trẻ có hành vi chống đối khi nhận được yêu cầu từ người lớn. Trẻ có xu hướng sinh hoạt theo lối mòn lặp lại của trẻ, bất cứ yêu cầu thay đổi nào, cũng không được bé hợp tác và làm theo. Thậm chí, nhiều trẻ còn trở nên giận dữ nếu đảo ngược thói quen của trẻ.
Thậm chí, nhiều trẻ còn trở nên ngang ngạnh, khi bố mẹ khuyên không nên làm những hành động nguy hiểm cho bản thân: ví dụ không sờ vào ổ điện, không ra đường chơi sợ xe cộ hay bắt cóc, thì bé lại có xu hướng muốn làm những việc này.
4. Hành vi lặp đi lặp lại
Đối với trẻ tự kỷ, bé rất thích lặp đi lặp lại hành động của minh, rất ít khi thay đổi, ít sáng tạo, ít đặc tính tưởng tượng, và dường như không có ý thích muốn khám phá thế giới xung quanh.
Ví dụ: bé thường thích xoay vòng tròn một mình, hoặc nhìn liên tục vào quạt trần, nhìn không chớp mắt khi xem TV hoặc ipad, thích những đồ chơi xếp thành hàng dài và lặp lại giống nhau như xếp đoàn tàu…
5. Thích chơi một mình
Không thích chơi đùa với các bạn, không thích đến những nơi hoạt náo đông vui, không thích đến chỗ đông người, là dấu hiệu của trẻ tự kỷ. Trẻ thích chơi một mình với không gian riêng và đồ vật riêng của chúng. Trẻ sẽ có sự gắn bó bất thường với những vật vô tri, như một con gấu bông, một con búp bê… Và nếu bị lấy đi món đồ thân thiết ấy, sau việc nổi nóng, bé có thể sẽ có xu hướng lầm lì và khép kín hơn nữa.
Đọc thêm: Khoa học chứng minh: Trẻ suy nghĩ tích cực sẽ dễ thích nghi với cuộc sống hơn
6. Vận động chậm chạp
Trẻ vận động chậm chạp, một phần là do tín hiệu truyền đến não bộ và phát tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể của bé không nhanh nhạy, một phần là do giảm trương lực cơ toàn thân hoặc rối loạn trương lực cơ. Điều này khiến cho trẻ rất khó để bắt chước, hoặc luôn từ chối sự luyện tập. Đôi khi, những hoạt động sinh hoạt bình thường của bé cũng diễn ra rất chậm chạp và lơ đễnh.
Những điều bố mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ tự kỷ
1. Tập trung vào các hoạt động tăng cường sự chú ý ở trẻ
Bố mẹ nên tập luyện dần cùng con sự chú ý và tập trung hơn, tránh những lơ đễnh ở trẻ bằng cách:
- Tạo không gian ấm cúng, vừa phải, gọn gàng
- Không có quá nhiều đồ chơi hoặc vật dụng gây xao nhãng cho bé
- Tập cho trẻ ngồi mặt đối mặt và ngang tầm mắt
- Gọi tên trẻ trong mỗi hoạt động để trẻ ý thức được về tên riêng của mình
- Đợi cho đến khi trẻ phát lại tín hiệu mới tiếp tục các hoạt động khác
2. Tăng cường kỹ năng bắt chước
Để tăng cường kỹ năng này, bố mẹ cần kiên nhẫn lôi kéo sự chú ý ở trẻ. Với trẻ tự kỷ, bố mẹ cần cầm tay chỉ việc hoàn toàn, trợ giúp bằng hành động, lời nói, cử chỉ và luôn làm mẫu cho bé.
3. Tăng cường luyện phát âm
Ngôn ngữ chính là chìa khóa cần gọt giũa. Mẹ hãy cùng con tập luyện vật lý trước khi rèn luyện về ngôn ngữ. Để có thể phát âm được chính xác, thì cần phải tập luyện cơ môi, bằng cách:
- Kéo căng cơ môi
- Tập cười
- Tập thổi bong bóng xà phòng, thổi còi, thổi nến
- Tập bập môi, tặc lưỡi
- Tập nhai thức ăn cứng, tập cắn
4. Tăng khả năng ngôn ngữ
Để bé có thể phản xạ tốt hơn với ngôn ngữ, thì mẹ cần rèn luyện cho con từ những điều nhỏ nhất:
- Gọi tên con trước khi nói bất cứ điều gì
- Nên phát âm dứt khoát, gãy gọn, không nói rời rạc
- Đưa ra từng câu tách biệt, tránh nói dài dòng, nhiều ý
- Luôn nói câu khẳng định
- Khi làm 1 hoạt động gì, kiên nhẫn nói bằng cách giới thiệu với con, dù có thể chưa nhận được tương tác 2 chiều
- Sử dụng sự hỗ trợ của đồ vật, tranh ảnh, cử chỉ…để thể hiện ý của mình
- Luôn khuyến khích, khen ngợi và nói lời yêu thương với trẻ
Đồng hành cùng trẻ tự kỷ là một câu chuyện dài hơi đối với mỗi gia đình. Nhưng nếu bố mẹ kiên nhẫn và sớm phát hiện ra những dấu hiệu tự kỷ, thì việc trị liệu cũng sẽ sớm muộn phát huy hiệu quả. Bố mẹ hãy luôn tạo cho con môi trường an toàn và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ, để bé phát triển nhé.
Xin ấn thích và theo dõi tiếp